TẾT XƯA NHỚ THƯƠNG TRONG KÝ ỨC - Nhiều Tác Giả

Leave a Comment

 

TẾT XƯA

NHỚ THƯƠNG TRONG KÝ ỨC

*

Nhớ Tết xưa

- Phạm Ngọc Kiểm

 

Hồi còn nhỏ, tôi mong Tết như mong mẹ về chợ. Chỉ mới bước sang tháng Chạp thôi, khi gió heo may vẫn còn hun hút thổi về, cây mận góc vườn nhà khoe nụ chúm chím như những hạt cườm chi chít bên những mầm non phơn phớt vừa mới nhú là tôi đã thấy Tết sắp đến rồi.

Những thùng thóc tám xoan và nếp cái hoa vàng được cất cẩn thận trong chum sành được u tôi mang ra xay giã. Cối xay thóc, cối giã gạo được dịp thể hiện hết mình trong những ngày cuối năm. Những hạt thóc tám xoan vỏ vàng đậm cho vào cối xay, vỏ trấu vừa bung ra đã thấy hương thơm của gạo tỏa ra mát dịu. Thứ gạo quý trời cho này đã có ở quê tôi hàng trăm năm nay rồi. Nó được hương đất phù sa của con sông Hồng sông Ninh bồi đắp ấp ủ nuôi dưỡng suốt 6 tháng trời, hứng trọn nguyên khí đất trời tạo nên hạt gạo trắng trong ngăn ngắt với mùi hương thơm dịu dàng man mác. Mùi hương cả khi nồi cơm chỉ còn mấy hạt nguội khi mở ra vẫn còn đọng lại thoang thoảng. Tôi thích bám vào càng cối xay cùng mẹ ù ì xay thóc, hoặc có lúc lanh chanh đứng trước mẹ và chị đạp cối giã gạo vừa đạp vừa đếm to từng nhịp.

Chiều cuối năm, tôi theo cha tôi đi tảo mộ. Ông dẫn tôi đi từng ngôi mộ giới thiệu tên, thứ bậc họ hàng của những người nằm dưới mộ cho tôi biết, sau đó cắt cỏ, đắp đất, sửa sang mộ cho các bậc tiền nhân được mồ yên mả đẹp. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in đâu là mộ tổ, mộ cụ kỵ, ông bà và những người thân trong dòng tộc.

Từ 23 tháng Chạp trở đi, cả làng tôi nhà nhà bắt đầu chuẩn bị đón Tết. Tường nhà được khoác lên một màu áo mới. Sân vườn được dọn dẹp sạch sẽ. nhưng hứng thú nhất vẫn là cảnh mổ lợn, đánh cá và gói bánh chưng.

Năm nào nhà tôi cũng nuôi một con lợn ỉ. Giống lợn có từ cổ xưa rồi da đen chùi chũi, chân ngắn, cổ rụt nuôi cả năm đến Tết chỉ to bằng hòn đá lăn chắc nịch. Có lẽ chúng ăn bằng thức ăn dân dã sạch sẽ của vườn nhà với rau bèo cám bã của thôn quê nên thịt rất ngon, thơm và chắc. Cha tôi rất khéo chế biến thành những món ăn sang trọng dành cho cỗ Tết như: Giò nạc, chả quế, nem thính… để ăn dần trong những ngày Tết. Cha tôi không quên để dành cho tôi cái đuôi lợn bé như ngón tay ăn giòn sừn sựt và chiếc bong bóng lợn “ăn vào để khỏi đái dầm” - cha tôi bảo vậy.

Cái ao trước cửa nhà tôi được cha tôi thả đủ các loại cá đến cuối năm mới đánh bắt. Những con cá trắm đen quanh năm chỉ ăn cỏ, ốc béo chắc được cha tôi chế biến thành món cá nướng rơm thật tuyệt để cả tuần vẫn giữ nguyên hương vị. Miếng cá chín vừa thơm mùi cá quyện với mùi gia vị và đặc biệt là mùi khói rơm tám thoảng thoảng thơm nồng. Một chút nước mắm chắt Hải Hậu cùng hương vị cà cuống đồng làm cho món cá nướng thêm tuyệt hảo.

Mẹ tôi ra góc vườn cẩn thận cắt từng tàu lá dong xanh mướt về gói bánh. Cha tôi không quên gói cho tôi những chiếc bánh u xinh xắn nho nhỏ mà tôi rất thích. Tôi thích ngồi cùng u trông nồi bánh chưng. Ngọn lửa rực rỡ nhảy nhót ấm cúng, nồi bánh sôi sùng sục ngạt ngào mùi nếp cái hoa vàng. Mẹ tôi không quên bắc thêm nồi nước nấu cây mùi để tắm. Hương thơm của hoa mùi dìu dịu tạo cảm giác êm ái dễ chịu tẩy trần đi những gì cũ kỹ của năm cũ.

Tối Ba mươi tôi theo cha lên chùa đón Giao thừa. Đúng thời khắc Giao thừa, sau tiếng nổ âm vang từ đầu làng do các anh dân quân tạo nên là tiếng pháo nổ râm ran khắp ngõ xóm báo hiệu năm mới đã về. Tiếng chuông chùa thong thả ngân nga chìm vào làn mưa xuân như bụi phấn. Cha tôi hái một nhành đa non làm lộc rồi về xông nhà.

Sáng Mồng Một Tết, cả nhà tôi dậy từ sớm, ai cũng mặc quần áo mới. Cha tôi mặc áo the khăn xếp. Ông vốn dĩ là một nhà nho nổi tiếng một vùng. Ông ngồi trên tràng kỷ, mở cuốn truyện Kiều cổ bói Kiều năm mới. Mẹ tôi mặc áo gụ tươi, chiếc váy đen mới với chiếc khăn vuông quấn mỏ quạ trên đầu. Mới sáng sớm bà đã tóm tém nhai trầu, miếng trầu đầu năm mới để lấy son, bà bảo vậy. Tôi xúng xính trong bộ quần áo gụ mới tinh với đôi guốc mộc xinh xắn. Thích nhất là được cha mẹ và các anh các chị mừng tuổi. Người mừng hai xu, năm xu. Những đồng xu tròn có lỗ ở giữa. tôi lấy dây xâu lại đeo ở trước ngực.

Buổi trưa gia đình tôi quây quần bên mâm cỗ cúng gia tiên thưởng thức những món ăn truyền thống cha mẹ tôi làm. Trên ban thờ, mùi hương trầm vẫn còn thoang thoảng ngan ngát hòa quyện trong tiết Xuân ấm áp. Cành mận cắm trong chiếc độc bình cổ để bên ban thờ nở hoa trắng xóa.

Một làn gió xuân man mác khẽ lùa qua chùm hoa bưởi rung rinh, những con chim sâu chuyền cành nhảy nhót. Tôi mơ màng nhìn ra khoảng trời tĩnh lặng Một cái Tết yên bình đầm ấm đầu tiên khi hòa bình lập lại ở quê tôi.

 

Hương vị Tết xưa

- Diệp Linh

 

Chưa bao giờ như những tháng ngày này, gió đánh thức con người đến thế. Cái lành lạnh hanh khô cứ chuồi đi và chợt gọi: Người ơi, ngày cuối năm sắp về rồi! Chẳng còn bao lâu nữa thôi là thời gian cuối cùng của năm sẽ đổ về, năm cũ đang dần cạn ngày cạn tháng. Một cái Tết ấm áp sẽ lại về trên khắp phố phường, thôn xóm quê hương.

Dù thời gian có đáng sợ đến đâu, có bào mòn tuổi thanh xuân đến đâu thì vẫn có một cái Tết làm tôi không bao giờ quên được. Một cái tết đoàn viên bên gia đình thân thương của mình. Nhưng tôi vấn vương mãi những ngày của hương vị Tết xưa.

Tôi nhớ lúc nhỏ chừng 14, 15 tuổi nhà nghèo lắm, không đủ đầy như bao người khác trong xóm nhưng mỗi khi Tết về má tôi luôn chuẩn bị tươm tất mọi thứ từ mứt nhà làm, bánh Tết mà trong đó ngon nhất vẫn là bánh tét má gói. Tết năm ấy, ba má tôi làm trúng ruộng nên nhà tôi được một năm ăn Tết lớn. Má tôi tất bật sắm sửa cho nhà, chị em tôi cũng xắn tay phụ má, kỷ niệm vui là nhà tôi có cái nồi đúc nấu bánh tét to đùng mà nguyên một xóm chỉ nhà tôi có nồi ấy. Cái nồi được mọi người luân phiên nhau mượn để nấu bánh cho kịp đón ông bà dăm ba ngày Tết đến. Tôi khoái nhất công việc ngồi lên lịch chia cái nồi cho bà con trong xóm dùng. Nhà nào nhà nấy cũng hì hụt gói vì thế không khí Tết quê nghèo càng thêm náo nức tưng bừng khắp các thôn xóm ở quê.

Tôi nhớ năm ấy, hừng đông, má đã ra chợ mua nhiều thứ lắm nào thịt, rau cải để về nấu cúng đón ông bà ba ngày Tết... nhưng nồi bánh tét vẫn được má tôi quan tâm nhất. Má giao nhiệm vụ cho chị em tôi rọc lá chuối để gói bánh, cha thì khệ nệ xách quài chuối chặt sau nhà, mua thêm vài ký đậu xanh về làm nhân bánh. Má làm nhiệm vụ quan trọng là gói bánh sẵn tập tành cho chị em tôi gói cho biết để sau này còn làm cho chồng con ăn. Cái bánh đầu tiên tôi gói không hoàn hảo như má nhưng cũng gọi là thành phẩm của riêng tôi. Má nói cái gì cũng vậy lần đầu tiên làm thì sao mà đẹp cho được, làm từ từ mới quen và tạo bánh đẹp được, từ trong sâu thẳm đôi mắt ấy đang dạy tôi điều hay lẽ phải trong cuộc đời, hành trình tôi đang đi còn rất dài và tôi luôn cần một người dẫn đường, người dành một tấm chân tình cho tôi không ai ngoài má.

Bánh nấu khoảng 10 tiếng đồng hồ thì vớt ra ngâm vào nước lạnh một thời gian rồi buộc thành từng túm đem treo lên cho ráo nước trên một cây sào tầm vông đặt trong buồng, hay ở nhà bếp. Sáng 30 Tết, mẹ cắt từng chiếc bánh đem dâng trước bàn thờ cúng tổ tiên, ông bà. Cảnh vui nhất là cả đám háo hức chờ được ăn bánh, xúm lại giành nhau từng khoanh bánh, thi đứa nào ăn nhanh hơn mà bánh tét ăn nhanh thì nghẹn ứ cả cổ. Giờ ngồi nhớ lại chợt thoáng vui, thoáng buồn vì đã có những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, tràn đầy yêu thương về ngày Tết, nhưng theo thời gian cũng chẳng còn cái Tết nào được như vậy nữa.

Từ ngày dời nhà ra gần chợ sống, tất cả lặng lẽ chìm vào quên lãng, Tết đến nhà tôi cũng không còn gói bánh như xưa, nhà cửa san sát nhau, diện tích sân vườn hẹp lại. Chiếc nồi nấu bánh tét cũng không còn dùng đến, bị lớp bụi phủ mờ.

Sáng nay, lòng vòng ngoài chợ trong tiết trời lành lạnh, ghé qua cổng chợ chợt thấy những cuốn lịch đã được bày bán rất nhiều, bánh mứt đủ loại, với những mùi vị khác nhau. Vậy là một năm mới sắp về rồi, nhanh thật! Tôi còn nhớ cái Tết năm ấy ngồi háo hức xé lịch sau khi gói bánh tét xong, vì muốn nhanh Tết đến tôi nhanh tay xé trước vài tờ. Tôi đang lúi húi thì bị má phát hiện mắng cho một trận, vội chạy nhanh ra nép sau lưng cha, cha xoa đầu tôi nở nụ cười hiền, nghĩ lại tôi ước gì được quay về cái ngày xưa ấy. Cái ngày của hương vị Tết xưa.

 

Hoài niệm Tết xưa ở đất Kinh kỳ

- Ngữ Thiên

 

Tết là phong tục được duy trì qua bao nhiêu thế hệ cư dân nông nghiệp. Những nét phong tục Tết xưa qua những trang viết của các học giả nổi tiếng thời cận-hiện đại: Phan Kế Bính, Toán Ánh, rồi Lý Khắc Cung, Nhất Thanh… đã làm xao xuyến con tim bao người hậu sinh. Nhưng nay những hình ảnh Tết xưa đã trở nên sinh động, cụ thể qua các tư liệu ảnh và hiện vật được giới thiệu với công chúng trong Triển lãm “Tết Xưa” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức trong dịp xuân Nhâm Dần 2022.

Những hoài niệm Tết xưa ùa về thấm đẫm trong những ngày cận kề Tết nay, đặc biệt với những người “hồn muôn năm cũ” ở đất kinh kỳ…

­­­Đón Tết...

Từ ngày rằm tháng chạp, không khí Tết đã lan dần. Nhiều nhà đã lo chuẩn bị Tết sớm. Nhưng phải sau lễ cúng ông Công ông Táo mọi nhà mới thực sự chuẩn bị tiễn năm cũ đón năm mới. Các bà nội trợ lo mua dần (và chế biến dần) thịt mỡ, dưa hành, lo hậu cần thực phẩm cho mâm cỗ Tết. Cỗ Tết khác cỗ giỗ - nhiều món hơn, chế biến tinh vi cầu kỳ hơn - ngoài thịt gà, thịt lợn, măng, miến “như bình thường” còn có thể có thêm giò chả, bóng bì, thêm thịt bò kho gừng, thêm nồi cá kho, thêm món thịt đông, thêm đĩa giò thủ và không thể thiếu bánh chưng xanh. Ngoài mâm ngũ quả to hơn nhiều những ngày rằm, mùng một còn có thêm nhiều loại kẹo, bánh, mứt, các món chè: chè kho, chè con ong... Các món đồ ăn Tết ngày xưa đa phần được các bà, các mẹ tự nấu và cũng nhân đó mà dạy cho cháu gái, con gái những kỹ năng trong nội hàm (theo cách nói ngày nay) của chữ Công - chữ đầu trong Tứ đức của người phụ nữ: Công, Dung, Ngôn, Hạnh - trước khi cô gái về nhà chồng. Với riêng một dòng văn hóa ẩm thực tinh mỹ Thăng Long-Hà Nội lại càng kỹ. Không ham nhiều, mỗi thứ chỉ vừa phải, gia giảm cũng chỉ một chút, vậy mà làm nên một nét thanh lịch của Kinh kỳ xưa. 

Các “ông chủ” gia đình thì cùng nhau đi dựng cây nêu ở đình rồi mới về treo tràng pháo ở nhà. Dưới đất, gốc cây nêu thường có hình cánh cung rắc bằng vôi trắng, mũi tên hướng về phía đông. Theo truyền thuyết thì hình cây cung được Phật dạy cho dân chúng vẽ để răn đe đám ma quỷ từ biển đông không được xâm phạm quấy nhiễu con người. 

Ngày xưa, trang trí đón Tết trong nhà trang trọng nhất là câu đối đỏ rồi đến tranh Tết. Việc này cũng là “của” đàn ông. Nếu trong nhà có “người có chữ” có thể tự soạn (hoặc chọn) và (có thể nhờ người “chữ tốt”) viết câu đối mình ưng trên giấy đỏ để dán trước cửa, dán lên cột. Nếu cầu kỳ hơn thì mang lễ vật đến tận nhà người Nho học có danh tiếng để xin câu đối. Nội dung câu đối Tết đều chất chứa những hy vọng trong năm mới.

Tranh Tết xưa nổi tiếng ba “dòng”: Hàng Trống, Kim Hoàng và Đông Hồ. Hai phường Hàng Trống và Kim Hoàng làm tranh thờ với cách viền nét, tô màu tỉ mỉ công phu. Tranh Đông Hồ thì in từng mảng màu lớn với những chủ đề miêu tả chiến công đánh giặc, anh hùng dân tộc và đời sống xã hội. Trừ tranh Hàng Trống “bản địa”, tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng đều do các “lái tranh” mang về cho người Kẻ chợ. Khác với thôn quê, Tết ở Thăng Long còn có thêm nhiều thứ cầu kỳ hơn: tỉa và hãm bình thủy tiên sao cho những nụ hoa nở hàm tiếu đúng sáng ngày mùng một, chơi tiểu cảnh, chơi cây cảnh được cắt tỉa công phu thành “thế”... rồi còn cả những kiêng kỵ trong bày hoa đón Tết như không bày thêm hoa cúc, mẫu đơn, hoa trà hay sửa hòn non bộ...

Ngày 28 tháng Chạp, con cháu đi thăm mộ, “mời” người đã khuất về ăn Tết với gia đình. Ngày 29 là ngày bánh chưng. Nhà nhà nổi lửa đun bánh và nhớ về sự tích Lang Liêu. Ngoài ngõ đã thấy đì đẹt tiếng pháo tép của lũ trẻ. Mùi khói pháo thoang thoảng quyện mùi bánh chưng sắp dền trong làn bụi mưa xuân làm nao nao lòng người. Không khí Tết ấm áp đã tràn ngập, gần sát mọi người, mọi nhà lắm rồi...

Ngày cuối cùng của năm là ngày dành để thu dọn nhà cửa, đánh rửa đồ thờ và sắp xếp lại bàn thờ, đặt cây cảnh, chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa ngoài trời với hương, hoa, xôi trắng và con gà giò ngậm bông hoa hồng. Ai cũng tắm tất niên “tẩy trần năm cũ” với nồi nước tắm thơm nồng hương nhiều lá cây - vị thuốc. Bữa cơm tất niên chiều ba mươi Tết ấm cúng và thiêng liêng. Những con cháu đi làm ăn xa cũng cố gắng về dự quây quần như một trách nhiệm với ông bà tổ tiên. 

Ăn Tết...

Đêm trừ tịch thức mong ngóng đến giờ khắc giao thừa, các bà, các chị, các cô chuẩn bị xúng xính quần áo, trang sức và trang điểm để đi lễ chùa, hái lộc, xin thẻ đầu năm. Ông và cha thì gói các đồng xu bạc vào phong bao giấy đỏ lì xì mừng tuổi cho trẻ nhỏ. Mọi người quây quần vui vẻ nói đủ thứ chuyện trên đời nhưng bồn chồn nhất là lũ trẻ con mong được nghe tiếng pháo rồi tranh nhau nhặt những quả pháo rơi trong đám xác pháo hồng tươi và mùi khói pháo vẫn còn nồng nặc.

Đúng giữa giờ Tý, giao thừa, khắp cả phố phường Thăng Long dậy ran tiếng pháo. Không nhà nào không đốt một tràng pháo. Xác pháo hồng được giữ ở sân suốt ba ngày Tết. Con cháu chúc thọ ông bà, lạy hai lạy chúc sức khỏe cha mẹ rồi đàn cháu nhỏ mừng rỡ nhét phong bao lì xì vào túi trong vạt áo mà có khi chẳng kịp nhớ chúng được người lớn chúc gì.

Cúng giao thừa và đốt pháo mừng năm mới xong thì chờ người “xông đất” rồi xuất hành. Người khách đầu tiên tới nhà “xông đất” trong năm mới thường được các gia chủ chọn và hẹn trước. Người đó là nam giới và còn phải hợp tuổi với chủ nhà, hợp mệnh với năm mới, phải là người có gia đình hòa thuận, yên ấm, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, phụ mẫu song toàn, đàn con thì đủ cả trai gái. Chủ, khách chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới: công việc thành đạt, nhiều tài lộc, nhiều sức khỏe, con cháu học hành tấn tới. Sau giao thừa, mọi người xuất hành hưởng khí lành trong tiết xuân, hái nhành lộc rồi lâng lâng hy vọng. Sáng ngày mùng một, bữa cơm đầu tiên của năm mới cũng trang trọng đầm ấm như bữa chiều ngày ba mươi, các thành viên gia đình lại ngồi ăn cùng nhau trong một không khí hòa thuận ấm áp và hơi có phần nghiêm cẩn của truyền thống gia phong.

Trong những ngày Tết, mọi người sống với nhau bằng cái tình thiện, khiết, hòa, vọng - lương thiện, trong sạch, hòa hợp và hướng đến tương lai với nhiều hy vọng. Mọi người đều bỏ xích mích, không đánh, cãi nhau mà chúc nhau những điều tốt đẹp: phúc, lộc, thọ, khang, ninh, hòa, tiến, đạt, vạn sự như ý... Ba ngày Tết còn kiêng không quét nhà, không động thổ, phạt mộc. Tết của hành khất ở Thăng Long có lẽ “dễ chịu” hơn, dễ xin được hơn ở các nơi khác. Có khi chỉ cần đứng gần cửa gia chủ nói vài lời chúc Tết tốt đẹp là đã được cho. Câu “Khó đói chẳng lo ba ngày Tết...” xuất phát từ đây chăng ?

Chơi Tết...

Đi chúc Tết là việc vui không thể thiếu. Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy. Ngày mùng một Tết sang chúc tết họ nội, mùng hai đến họ ngoại và mùng ba đến chúc tết ân sư - người đã có công dạy cho mình kiến văn và đạo lý. “Lịch” chúc Tết vậy cũng là việc nghĩa đã thành đạo uống nước nhớ nguồn tốt đẹp được truyền trao. Người Thăng Long tôn trọng “lịch trình” này lắm.

Ngày mùng ba, các nhà “tiễn” tổ tiên rồi “hóa vàng”. Ngày mùng bảy làm lễ hạ cây nêu. Các hội xuân thường mở sau ngày này và mọi người từng đoàn rủ nhau đi hội. Chỉ có ở gần Thăng Long và sớm nhất là hội Đồng Kỵ, hội chùa Phật Tích với truyền thuyết hoa mẫu đơn cùng mở ngày mùng bốn. Hội Cổ Loa, hội vật làng Mai Động, mở rừng hội chùa Hương cùng mở ngày mùng sáu, quan họ hội Lim ngày mười ba chính hội... và nhiều lắm. Hội muộn nhất có lẽ là hội làng Hoàng Mai - tận ngày 24 tháng 4 là ngày hóa của tướng quân Trần Khát Chân, vị thành hoàng được thờ ở đây. Mọi người rủ nhau đi hội không chỉ để cầu thần, cầu Phật phù hộ cho mình những điều an lành tốt đẹp mà còn là dịp để gặp và hàn huyên với người quen cũ, giao lưu mở rộng thêm các mối kết giao với người quen mới. Đi hội xuân còn là dịp nam nữ gặp nhau, trước lạ sau quen, cùng vui chơi, hò hát và nhiều người đã nên duyên. Chắc vì vậy nên sau Ăn Tết là Chơi Tết không kém phần háo hức chờ mong rồi náo nức đi dự, chẳng bao giờ thấy mệt, thấy chán mặc dù có khi tả tơi xem hội...

*

*          *

Người Thăng Long cũng Ăn Tết - Chơi Tết như người dân ở các vùng quê khác trên đồng bằng sông Hồng. Nhưng nếu tinh thì vẫn thấy Tết Thăng Long có những nét riêng, rộn ràng, vui tươi, đầm ấm mà ẩn chứa những tinh tế của mình. Tết Thăng Long xưa không phô trương mà tinh tế, ý nhị. Tết Thăng Long xưa cũng nổi bật phong vị xứng đáng của cư dân một Kinh đô trong hành lễ với trời đất, tổ tiên, trong hành xử ở gia đình và cộng đồng. Nay, đó đã là hoài niệm về truyền thống của mảnh đất ngàn năm văn vật. Nhưng không thể tiếc nuối theo cách “thương nhớ” hàm hồ mà cần chắt lọc những giá trị đó để phát huy cho tương lai phát triển bền vững trên bệ đỡ của truyền thống tốt đẹp. 

Triển lãm “Tết Xưa”, qua tài liệu lưu trữ, được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) tổ chức, trưng bày hơn 100 phiên bản tài liệu, hình ảnh và tái dựng không khí và khung cảnh xưa trong những không gian tương tác với công chúng. Triển lãm mở cửa từ ngày 14/1 đến ngày 15/3 tại khu trưng bày Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 5, Vũ Phạm Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội).

 

Thương nhớ Tết xưa

- Lưu Phương Anh

 

Cùng với sự phát triển của xã hội, Tết của người Việt đã có nhiều sự thay đổi theo hướng hiện đại, đủ đầy hơn. Nhưng với nhiều người, những kỷ niệm về cái Tết thời bao cấp đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên. Đó là cái Tết dù đơn sơ, thiếu thốn nhưng lại chứa chan nghĩa tình và mang một hương vị rất khác so với bây giờ.

Hương Tết trong ký ức một người Hà Nội

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, cô Trần Mai Phương đã có gần 60 cái Tết ở Thủ đô. Tưởng nhớ lại những cái Tết thời bao cấp, người phụ nữ gốc Hà Thành không khỏi bồi hồi.

Cô Phương chia sẻ, ngày xưa, khi các loại hoa chưa nhiều như bây giờ, dường như Tết đến nhà nào cũng có một bình hoa thược dược, violet bày trong phòng khách. Một bình hoa lớn với đủ sắc vàng,  đỏ, tím theo phong thủy có ý nghĩa hóa giải các vướng mắc trong tình yêu, đem lại  điều may mắn và thành công cho gia đình. Vậy là, chẳng biết từ bao giờ mà những bông thược được đủ sắc màu đã trở thành một tín hiệu báo Tết cổ truyền đang đến rất cận kề.

Một nét văn hóa nữa ấy là tắm nước mùi già vào chiều 30 Tết. Theo quan niệm dân gian, tắm nước lá mùi sẽ giúp xua đi những chuyện không hay, những điều không may mắn trong năm cũ để chuẩn bị đón một năm mới đầy ý nghĩa. Vì vậy, ngày cuối năm dù bận thế nào các bà, các mẹ cũng nhắc nhở nhau mua lá mùi về “tẩy trần” để đón tết. “Nước lá mùi thơm thoang thoảng, bay len lỏi trong căn phòng nhỏ của gia đình, xua tan đi sự thiếu thốn về vật chất, gợi ra niềm hân hoan, vui sướng trong tâm tưởng mỗi người. Sau này, lá mùi được chiết xuất ra làm tinh dầu, sử dụng tuy có tiện hơn nhưng mùi hương và cảm giác mang lại chẳng thể bằng lá mùi tay bà, tay mẹ tự nấu”- cô Phương chia sẻ.

Trong ký ức cô Phương, Tết còn là sự háo hức khi được nghe tiếng pháo. Ngày cuối năm, trẻ con thường được bố mẹ cho những bánh pháo nhỏ nhỏ để mang ra sân chơi, tiếng pháo kêu lách tách cùng mùi khét nhẹ mà cứ ngửi thấy là người ta bảo nhau “À, là mùi Tết”. Sau này, vào đêm giao thừa, cô cùng gia đình vẫn đi xem bắn pháo hoa tại bờ hồ Hoàn Kiếm, những đợt pháo hoa đẹp và hoành tráng hơn nhiều nhưng cảm giác háo hức như ngày xưa không còn.

Hương Tết xưa còn là mùi của nồi bánh chưng đang sôi lục bục. Ngày xưa, các gia đình hay tự gói rồi chung nhau nấu trên một cái nồi to ở ngoài sân, xung quanh nồi,  lũ trẻ con sẽ tận dụng lửa để nướng thêm mấy củ khoai. Mùi thơm thanh thanh đặc trưng của lá dong, gạo nếp, mùi hăng hăng của củi cháy, mùi hương ngọt bùi của những củ khoai nướng, tất cả hòa quyện lại, gợi nhớ những cái Tết cổ truyền vừa thiêng liêng vừa ấm cúng.

Đủ đầy trong thiếu thốn

Trong cuộc sống hiện đại, người dân đón Tết nhẹ tựa lông hồng bởi thiếu gì ra chợ là đủ hết, nhưng những năm tháng bao cấp, mỗi dịp cận Tết là nỗi lo cơm áo, gạo tiền lại đề nặng lên vai của những cán bộ công nhân viên chức.

Theo ký ức của cô Phương, ngày xưa, Tết đến các hộ gia đình cán bộ công nhân viên chức ở Hà Nội sẽ được phát một tấm tem phiếu đổi hàng, trong gói hàng ấy sẽ có một tập bánh đa nem, khoảng hai lạng miến, một chút mì chính, một chút hạt tiêu, một gói mứt, một gói chè khô.... Nhìn qua có vẻ đầy đủ cho bữa cơm ngày tết nhưng kỳ thực cái gì cũng rất ít ỏi. Ngày ấy, để có một chiếc bánh chưng đầy đặn, nhiều gia đình phải tiết kiệm phiếu mua thịt từ đầu tháng. Nhưng phải đi qua những ngày tháng cơ cực như thế ta mới thấy được các bà, các mẹ đã khéo léo thu vén như thế nào. Ngày xưa, thịt ba rọi rất rẻ nên các bà đi chợ thường chọn mua thịt ba rọi để mua một mà được gấp đôi, phần thịt mỡ sẽ dùng để gói bánh chưng, còn những phần không nguyên miếng sẽ băm ra để làm nem.

Đó là “ăn” tết, còn “chơi” tết cũng giản dị không kém. Hồi ấy trẻ con luôn bị thu hút bởi những chùm pháo đỏ nhưng trong tiêu chuẩn của mỗi gia đình chỉ được mua một bánh pháo. Vậy là cứ chiều 30 tết, bố mẹ lại tách một nửa ra để cho trẻ con chơi lẻ, nửa còn lại để dành đốt vào đêm giao thừa. Tiếng pháo nổ đì đùng như báo hiệu báo hiệu xuân đã tới, một năm mới đã sang. Sau đó, những đứa trẻ còn không quên đi bới đống xác pháo trên mặt đất với hy vọng tìm được những tép pháo chưa nổ.

Tết đến, các gia đình cũng cố để sắm cho con những bộ quần áo mới, có những nhà không mua được vải thì bố mẹ dùng áo của mình ra để may áo cho con. Lì xì cho trẻ con ngày xưa cũng có nhưng không nhiều như bây giờ mà chỉ mang tính chất tượng trưng. Hồi ấy trẻ con muốn nhận lì xì từ ông bà, bố mẹ thì phải chuẩn bị hát một bài hoặc đọc thơ cho cả nhà nghe. Bởi vậy mà, cái Tết xưa tuy thiếu thốn nhưng lại ấm áp vô cùng.

Ngày nay, cuộc sống của người dân đã no đủ, sung túc hơn nhiều, bởi vậy mà nhiều phong tục đón Tết cũng có chút thay đổi. Nhưng dù ở thời kỳ nào thì giá trị của Tết vẫn mãi vẹn nguyên trong tâm tưởng của mỗi người con đất Việt, bởi Tết không chỉ là thời gian để các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau, đó còn là dịp để ông bà, cha mẹ nhắc nhở con cháu về quá khứ, trân trọng những gì đã qua và hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai...

 

Tết của một thời

- Phạm Công Luận

 

“Lo mà lấy nước đổ đầy lu đi, cúng giếng đến nơi rồi kìa!”.

Năm nào cũng vậy, bầy con nít bắt đầu nghỉ học sau khi ăn liên hoan tết là má tôi nhắc mấy ông con trai câu đó. Hăm ba, hăm bốn tháng chạp thì còn sớm, lấy nước xong rồi cũng sẽ dùng hết. Phải đợi đến hăm tám, hăm chín tết, thức ăn các thứ đã nấu xong, nhà cửa đã lau chùi, chỉ còn lo cúng kiến thì phải trữ nước cho mấy ngày tết sau khi đã đóng giếng để cho giếng “nghỉ ngơi”. 

Cúng giếng là phong tục cổ mà từ thời trước 1975 ở Sài Gòn – Gia Định vẫn còn duy trì. Nhà anh rể tôi ở Phú Nhuận có cái giếng nằm trong sân nhà, không tết nào thiếu lễ cúng giếng vào trưa giao thừa rước ông bà, sau khi đã đổ đầy nước các lu khạp. Lễ vật là dĩa trái cây và bình hoa đặt bên miệng giếng. Đến sáng mùng một đầu năm, ba của anh lại thắp nhang trên bàn thờ và khấn chư thần cho giếng có nước ngon nước ngọt. 

Nhà chồng của dì tôi bên ngã tư Bình Hòa cũng có giếng riêng nhưng cả xóm dùng nhờ. Cha chồng của dì cũng cúng giếng đàng hoàng, nhưng khi hàng xóm giữa chừng hết nước xài trong mấy ngày đầu năm, qua xin đôi gánh, ông tỉnh bơ cho lấy nước cho dù mấy phụ nữ trong nhà cằn nhằn. 

Thời gian giếng đóng từ chiều ba mươi cho đến mùng ba đâu có ngắn, trong khi đó ngày tết vẫn phải nấu nướng, khách khứa đông, rửa chén nhiều nên mau hết nước. Cho nên những chiều ba mươi, cả xóm huy động ra bao nhiêu lu, thùng thiếc con sò, xoong nồi để chứa nước càng nhiều càng tốt. Cả xóm xếp hàng thả thùng vét tận đáy cái giếng tội nghiệp đến nỗi mạch nước không rỉ nước. Mấy cục lọc nước hình trụ của từng nhà chuyển từ màu trắng sang vàng khè, được dùng sát tối giao thừa. Tới quá trưa ba mươi, giếng được đóng lại bằng một cái nong tre lớn. 

Tối giao thừa, vậy mà cũng có người mò ra giếng. Trong bóng tối, tôi thấy họ thắp nhang đầu đỏ lập lòe, lên, khấn vái rồi đứng một hồi mới bỏ đi. Mấy anh chị hẹn hò nhau tạm thời rời xa cái giếng vì không còn cớ gặp nhau nữa. 

Nhớ về cái giếng, tôi nhớ những ngày tết xưa giản dị và yên vui. Ba má lo đi làm hay đi bán ngoài chợ, con cái sau buổi liên hoan ở lớp thì nghỉ tết hơn cả tuần lễ. Đá banh hay coi phim rạp Văn Cầm được vài buổi cũng chán, mấy anh em xúm nhau lo dọn dẹp nhà, lau cửa, đánh bóng lư đồng, chà sân, lặt lá mai.

Xong việc, tôi đi vòng quanh xóm xem người ta dọn nhà ăn tết mà vui… ké. Đứng xem họ quét vôi nhà, sơn cửa, chỉ hít mùi sơn vôi thôi mà thấy tết đến gần hơn. Có khi tôi đạp xe lang thang qua xóm đứa bạn học. Xóm nó lo ăn tết vui gấp mấy lần xóm tôi. 

Mấy ông già sau khi dọn dẹp xong, rủ nhau qua nhà nhậu. Nhậu ở nhà ông này rồi lúc khác chuyển sang nhà kia. Gần nhà lại có cái lò làm bì heo, nó bảo mấy ông nhậu hoài không hết mồi, tai heo rồi lỗ mũi heo mần phá lấu thêm dĩa củ kiệu.

Ông nội nó có rẫy cải ở miệt Cây Gõ, có trồng ổi mận nên hùn mồi tươi rói ai cũng khoái. Có lần ba nó dắt mấy ông bạn Mỹ trong sở làm về xóm chơi, mấy ông già kéo vô nhậu luôn. Mấy ông Mỹ ban đầu e dè, sau vui vẻ chơi tới bến, uống tới đâu đỏ mặt, đỏ cổ, đỏ ngực tới đó. Phụ nữ và đám con nít cả xóm bu lại rần rần.

Nhắc về những cái tết hồi xưa ở Sài Gòn, một anh bạn khác kể tôi nghe một câu chuyện tức cười. Hồi sau 1975, ba anh từ công chức thời trước chuyển sang kiếm sống nuôi gia đình bằng nghề đạp xích lô. Khác với nhiều người phải đi thuê xe, nhà anh được người thân ở nước ngoài gửi tiền về đủ mua một chiếc. Mỗi ngày, ba của anh đạp từ sáng đến chiều, buổi tối thì thỉnh thoảng người anh trai lớn lấy ra đạp kiếm tiền xài vặt. Nhiều người đề nghị thuê lại mỗi buổi tối nhưng ba anh lắc đầu. 

Đến gần tết, một anh trong xóm qua than thở là nhà nghèo quá không có tiền ăn tết và ngỏ ý thuê lại chiếc xích lô vài ngày kiếm tiền mua áo tết cho con. Ba của anh thấy tội nghiệp, lại đang lúc mới nhận thùng thuốc tây gửi biếu từ nước ngoài nghĩa là có tiền xài, nên đồng ý cho anh ta mượn trong mấy ngày cuối tuần, không phải trả tiền thuê. Anh kia rất mừng, tranh thủ đạp xe từ sáng đến tối mịt mới mang trả. Đến ngày cuối cùng, anh ta đẩy trả chiếc xe vào nhà lúc khuya 27 tết. Sáng hôm sau, bạn tôi bất ngờ thấy bỗng dưng nhà có một cây mai gốc to, đẹp rực rỡ với bông và nụ tràn đầy vàng rực trong nắng sớm. Cả nhà không biết cây mai ở đâu ra thì thấy anh hàng xóm cười nhăn nhở đi tới nói lời cảm ơn và xin biếu cây mai. 

Ba anh bạn tôi nhìn cây mai cổ thụ này biết là loại mắc tiền, làm sao anh ta có được, số tiền mua cây mai có khi gấp rất nhiều lần tiền công ba ngày đạp xe. Hỏi gạn, anh này nói thiệt là tối hôm qua anh ta chở một ông cụ về nhà trên đường Hồ Xuân Hương miệt Bà Chiểu. Nhà ông cụ là một ngôi nhà vườn rộng có nhiều cây kiểng đẹp. Ông cụ trả tiền xong đi vào, bỏ anh ta với cái cổng không đóng. Thấy cây mai đẹp quá để cạnh cổng phía trong vòng rào, anh ta bưng lên xe chở về để biếu “ông thầy” đã cho mượn xích lô! 

Ba anh bạn tôi tá hỏa vì nhà mình đang trữ “đồ gian”. Ông hối thúc anh kia mang trả lại cho mau. Tối hôm đó, phải cho anh ta mượn chiếc xích lô lần nữa, khiêng cái chậu lên xe giùm và tiễn đi, bụng có phần hồi hộp. Lát sau anh ta về, cười toe toét bảo: “Con đã đặt cây mai trước nhà rồi giật chuông cho người nhà ra mang vô”. Cả nhà bạn tôi thở phào. 

Anh này là dân trong xóm về từ vùng kinh tế mới, may là còn giữ được ngôi nhà nên có chỗ quay về. Vài năm đầu thập niên 1980, khu chợ Ga ở Phú Nhuận có vài gia đình cũng từ Bù Đăng, Bù Đốp bỏ về thành phố vì không quen chịu cực, không biết trồng trọt và khi về cũng không còn nhà ở vì đã bán trước khi đi. Họ sống trong những góc chợ trống, tối ngủ trên các sạp. Đàn ông đàn bà thì gầy gò, nhưng đám con nít còn giữ nét sáng sủa trên khuôn mặt. Những người bán ở chợ cảm thấy phiền hà, thỉnh thoảng lại la mắng đám con nít và càu nhàu người lớn trong số đó.

Má bán hàng đến trưa ba mươi, tôi ra đóng sạp hàng phụ má và thấy họ loay hoay cúng rước ông bà trên nóc hầm xi măng ủ chuối bằng dĩa mì xào, dĩa bánh mì hấp và cái bình bông nhỏ cắm bông vạn thọ. Vài bác gái bán cá đồng, đồ lê-ghim thường ngày hay la mắng, trước khi nghỉ ăn tết còn cho họ mấy cái bắp cải còn nguyên, ít cá vụn, khoai mì… Má tôi cũng cho hai bịch kẹo cứng Vinabico cho đám con nít. Họ chỉ ở trong chợ qua hai cái tết rồi đi đâu mất.        

Đó là vài câu chuyện tết vụn vặt trên đất Sài Gòn – Gia Định cách nay trên dưới bốn mươi năm trước. Đó là những năm còn nhiều người nghèo, nhưng tình người lúc đó còn đầy, ngày tết còn là một khoảng thời gian thiêng liêng chứ không phải là kỳ nghỉ dài để đi du lịch như bây giờ.

 

Vài điều Tết xưa…

- Nguyên Khang


Gọi là Tết xưa vì những việc nay không còn nữa, hoặc còn rất ít ở một vài nơi. Người ta cũng không còn quá cầu kỳ, câu nệ các phong tục, tập quán ngày Tết. Nhiều người cho rằng, cuộc sống càng hiện đại, Tết càng trở nên bình thường và qua mau…

Chuẩn bị đón Tết

Bắt đầu từ tháng chạp, công việc chuẩn bị cho một cái Tết bắt đầu. Trước tiên là bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, đình chùa, nhà thờ… với ý nghĩa rằng quét dọn, lau chùi sạch sẽ sẽ xua đi những bụi bặm, tối tăm của năm cũ để đón chào những gì mới mẻ, tươi đẹp hơn. Sau đó, việc mua sắm là không thể thiếu: phần dành cúng ông bà, tổ tiên, thức ăn dự trữ trong ba ngày Tết, các món ngon đãi khách, quần áo đẹp để đi chúc Tết đầu năm, các phần quà Tết, lễ Tết…

Kể từ phút giao thừa trở đi, nhiều nhà kiêng không đổ rác mà quét và tấp lại ở một góc nhà. Phong tục này được lý giải bằng một câu chuyện cũng khá thú vị, rằng: “Xưa kia, có một người lái buôn trong một dịp dạo chơi được Vua thủy thần tặng cho một nàng hầu. Sau khi đem nàng hầu ấy về nhà nuôi thì ông ngày càng trở nên giàu có. Một ngày đầu năm mới, vì tức giận nàng hầu dám làm trái ý, ông dùng roi đánh nàng, nàng trốn vào đống rác và biến mất. Từ đó, người lái buôn rơi vào cảnh bần hàn”. Bắt nguồn từ giai thoại này, trong dân gian có tục lệ kiêng đổ rác trong ba ngày Tết.

Đón chào năm mới

Những việc đầu tiên của năm mới là hái lộc, xông đất, chúc Tết và mừng tuổi. Sau giao thừa, người ta bắt đầu việc chúc Tết, mừng tuổi. Con cháu chúc Tết cha mẹ, ông bà bằng những lời nói tốt đẹp, may mắn nhất và nhận lại lời chúc chăm ngoan, học giỏi, làm việc tốt… cùng một phong bì đỏ xinh xắn. Sau đó, nhiều người thường đến nhà thờ, đình, chùa để làm lễ và hái lộc đem về nhà. Hái được nhánh càng to, xanh tươi, nhiều lộc biếc thì năm mới càng may mắn và thuận lợi.

Tiếp theo là giai đoạn xông đất, người xưa quan niệm rằng mở đầu năm mới thật tốt đẹp thì cả năm sẽ suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió nên rất chú ý lựa chọn người xông nhà, thường đó là những người “nhẹ vía”, mau mắn, hiền lành, dễ tính. Cũng có nhà tự chọn người trong gia đình được xem là may mắn nhất để xông đất đầu năm. Sau khi đã có người xông đất thì không còn kiêng dè gì nữa, người đến sau cứ việc vào nhà bình thường. Có nhiều người không mấy chú trọng đến việc này nhưng sợ người khác kiêng kỵ nên cũng ngại đi chúc Tết vào sáng mùng một Tết.

Thường thấy trong dịp Tết là phong tục “khai ấn” của người có chức tước, “khai bút” của giới học trò, sĩ tử, “khai canh” của người làm nông, “khai công” của người thợ thủ công… Với những người buôn bán thì cũng chọn một ngày, giờ tốt đi mở hàng “lấy ngày”. Những thói quen này cũng với mong ước một năm mới sẽ khởi đầu với nhiều may mắn, thuận lợi.

Thời gian còn lại trong ba ngày Tết, người ta đến thăm họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp với những món quà nho nhỏ, ý nghĩa và những lời chúc tốt đẹp nhất. Không khí ngày Tết vui vẻ, phấn khởi… Tết cổ truyền được xem là kết thúc vào ngày mùng ba Tết (cũng có một số nhà ăn Tết cho đến hết ngày mùng bốn), sau lễ hóa vàng - một bữa tiệc được tổ chức long trọng để đưa ông bà và họp mặt các thành viên trong gia đình.

 

Tiếc Tết xưa

- Lê Ngọc Dương Cầm

 

Trong thời đại sống vội, tận dụng từng phút cho công việc, người ta ngày càng hờ hững với Tết. Cái không khí háo hức chào đón nàng Xuân không còn như cách đây hàng chục năm. Chợt tiếc cho những cái tết thời xa vắng, nay chỉ còn trong ký ức những người lớn tuổi. 

Có một thực tế phải nhìn nhận: Qua mỗi năm, tết càng nhạt dần. Cảm giác chộn rộn, nôn nao tết chỉ còn tồn tại trong khoảnh khắc cận kề giao thừa.

Sang sáng mùng 1, lác đác hàng quán đã mở cửa bày bán, chợ cũng nhóm họp.

Đến chiều mùng 2, mọi sinh hoạt gần như trở lại bình thường, đường phố nhộn nhịp xe. Tết coi như hết. Giới trẻ than vãn tết ngày càng nhạt, càng chán, chẳng có gì vui. 

Một số gia đình vẫn cố giữ nếp tết xưa. Một con én không làm nên nổi mùa xuân khi mà đại đa số đều lược giản nhiều giá trị tinh thần của ngày tết. 

Tuy không khí tết chùng xuống thảm hại nhưng ngày nghỉ vẫn còn kéo dài đến tận mùng 6 Công chức bị chùn tay, chùn chân… nôn nóng, mong chờ ngày đi làm trở lại.

Dân tỉnh bắt đầu lục tục kéo nhau về thành phố sớm, dù chỉ nằm ở nhà trọ chờ kết thúc…tết. Con cháu đi hết, nhà trống vắng, tết cũng coi như chấm hết ở các miền quê, vốn được cho là còn giữ gìn bản sắc ngày tết, chưa bị khói nhà máy công nghiệp phủ mờ. 

Cách đây vài chục năm, người ta gọi là “ăn Tết”, chứ không gọi “đón Tết” như bây giờ. Thời gian “ăn Tết” kéo dài, ngày nào cũng vui. Chính vì vậy mới có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. 

Mọi tinh hoa lao động trong năm, người ta đều dành cho Tết: Cái áo, đôi giày, đôi dép.. cũng đợi Tết mới mặc. Ở quê, nuôi con gà, con heo… cũng chờ Tết đến mới mổ thịt. Đời sống nhân dân tuy nghèo khó, nhưng Tết mang đầy đủ ý nghĩa của nó. 

Chính vì người ta chờ đợi Tết nên thấy thời gian trôi qua chậm chạp và nôn nao khi Tết đến gần. Không như bây giờ, đa phần sợ Tết, có cảm giác đang yên lành, bỗng nhiên tết ập đến, trở nên hờ hững với nó.  

Không khí Tết của cách đây vài chục năm được bắt đầu cảm nhận rõ ràng nhất từ ngày Rằm tháng Chạp. Sáng sớm, trong tiết trời se lạnh, cả nhà xúm xít ra sân tranh thủ lặt lá mai. Phải lặt lá mai đúng ngày rằm thì bông mới bung đúng ngày mùng Một, lấy may mắn cho cả năm. 

Đàn bà, con gái bắt đầu rục rịch dao, thớt, chuẩn bị làm dưa kiệu, dưa cải, bánh mứt, lạp xưởng. Đàn ông, trai tráng lo sơn quét nhà cửa. Trong những ngày này, đi ngang các cửa nhà, đều thấy các mâm củ kiệu, mứt dừa, dây lạp xưởng đỏ hồng… bày trước sân, phơi dưới nắng xuân, chờ khô ráo. 

23 Tết, ngày đưa ông Táo chầu trời, không khí Tết đã thực sự hiện diện trong mọi nhà. Mền mùng người ta lôi ra giặt giũ, lư hương mang ra đánh bóng, đốt hết chân hương… Mọi người trở nên tất bật hơn, vội vã hơn. 

Con cháu ở phương xa đã tề tựu đông đủ, quây quần bên ông bà, cha mẹ để chuẩn bị nếp, đậu xanh, thịt mỡ, lá chuối để gói bánh tét. Nhà nào siêng năng, còn xay bột mang đến lò, tráng bánh. 

Một số gia đình tranh thủ kho sẵn nồi thịt, hâm nhiều bận dưới lửa củi liu riu cho đến tận chiều 30 Tết, nhằm làm miếng thịt thấm nước dừa, mỡ mềm rệu, đậm đà.

Không có siêu thị như bây giờ, muốn mua sắm người ta phải ra chợ. Chính vì vậy chợ búa tấp nập người, chân chen không lọt. Những món ngon nhất người ta mang ra chợ bán, từ con gà, con vịt, con cá, miếng mứt dừa. Tiếng chào mời inh ỏi. Hoa cúc, hoa mai, vạn thọ bày bán từ đầu chợ đến cuối chợ. Trái cây không thuốc trừ sâu, phân bón đổ hàng đống, tha hồ chọn mua về cúng gia tiên. 

Chiều 30 Tết, người ta quét sạch nhà một lần nữa, vì từ mùng 1 đến mùng 10 phải kiêng cữ, không ai quét nhà, sợ quét mất luôn lộc. Trên bàn thờ đã trang trí nhành mai chực bung nụ vàng, bên cạnh mâm ngũ quả: Cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Thức ăn, gạo, muối, đường… phải tích trữ đầy đủ trước giờ giao thừa, vì chợ búa đến tận sau mùng 10 mới nhóm họp. 

Trên chiếc bàn dài ở chính giữa nhà, mâm cơm đầy đủ lễ vật: Bánh tét, thịt mỡ, dưa kiệu, dưa cải, con gà mái luộc chéo ngoảy vàng ươm, gạo, muối, rượu trắng… Gia chủ mặc áo dài tay, trịnh trong thắp 3 nén hương, đứng ngay đầu bàn, chắp tay lầm rầm khấn vái mời vong linh ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Hàng xóm í ới mời nhau dùng bữa cơm cuối năm, uống vài ly rượu, hàn huyên. 

Xong ai về nhà nấy, háo hức chờ đón giờ giao thừa. Nhà nào nghèo, cũng phải có phong pháo tiểu, nhà giàu thì dây pháo đại dài treo sẵn ngay cửa chính. 

Đúng thời khắc 0h, cả nước vang rền tiếng pháo nổ. Từ chiều, con nít đã chực chờ trước những cửa nhà. Chỉ cần nghe tiếng pháo vừa dứt, chúng xúm nhau giành nhặt pháo lép. Giữa khuya, tiếng cười đùa rộn ràng khắp xóm. 

Xác pháo đỏ vương ngay đầu ngõ, bay vào tận nhà. Mùi khói pháo đặc trưng hương vị Tết phảng phất khắp nơi. Một năm mới đầy hy vọng, sung túc, an lành đã tràn về! 

Sáng mùng Một, trẻ con xúng xính quần áo mới, mừng tuổi ông bà, cha mẹ, nhận bao lì xì. Gia đình đầy đủ các thành viên quây quần bên mâm cơm. Người ta hạn chế đến nhà người khác, vì kiêng cử. Nếu muốn gặp nhau, phải sau 12 giờ trưa và cũng chỉ nói chuyện vui. Tuyệt đối không nói đến bệnh tật, nghèo khó. Giận hờn nhau cũng phải nén lại, không cự cãi. 

Đến mùng 2 người ta đi thăm, chúc tết họ hàng. Mùng 3 dành cho bạn bè, hàng xóm. Tiệc bày ra, đi đến nhà nào cũng quanh quẩn các món: bánh mứt, lạp xưởng, thịt kho, củ kiệu, dưa cải, gà vịt… nên ai cũng ngán, chẳng muốn ăn. 

Đi đến nhà nào cũng thấy khung cảnh đầm ấm: Già trẻ, bé lớn quây quần  trên chiếc chiếu trải ngoài hàng hiên, cùng chơi lô tô, bầu cua.. ăn tiền tượng trưng. Khách đến thăm chúc tết gia chủ, có thể ngồi xuống “giao lưu” vài ván, coi như xem quẻ may rủi trong năm. 

Thăm viếng, ăn uống, nhậu nhẹt, cờ bạc… cho đến tận mùng 10, không khí Tết mới bắt đầu chùng xuống. Buổi chiều, người ta lại làm một mâm cúng đưa tiễn ông bà, thay quần áo mới bằng bộ quần áo cũ. Tết coi như hết, bắt đầu làm việc trở lại. 

Ngày nay, thường đến mùng 3, người ta đã làm mâm cúng “đuổi” ông bà đi sớm, Tết coi như kết thúc chóng vánh. 

Tết càng nhạt nhòa, có thể do các nguyên nhân sau: Thức ăn đa số người ta mua đồ làm sẵn ở siêu thi, chợ truyền thống đìu hiu, kéo theo các thành viên trong gia đình ít có cơ hội sum vầy để “phụ tay, phụ chân” làm món. Chợ nhóm họp sớm, hàng quán bán như thường ngày, cũng làm giảm bớt không khí thiêng liêng ngày Tết, có cảm giác ngày nào cũng như ngày nào. 

Thêm nữa, ngày nay, ai cũng có sẵn chiếc điện thoại di động trên tay, chỉ cần một cuộc gọi, tin nhắn chúc mừng năm mới là đã đủ lễ nghĩa, không cần phải lặn lội đến nhà người khác thăm viếng. 

Và trong thời đại công nghiệp, người người đều phải bon chen, đè nặng áp lực cơm áo gạo tiền, buộc lòng phải hờ hững với nàng Xuân.

Mời thư giãn với nhạc phẩm BÀI CA TẾT CHO EM

của Quốc Dũng, qua tiếng hát Quang Lê:



.

 

 

- VŨ THỊ HƯƠNG MAI giới thiệu -

(Cập nhật từ messenger facebook Vũ Thị Hương Mai ngày 05.12.2021.

Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.)



0 comments:

Đăng nhận xét