NHỮNG
BƯỚC ‘PHẢN’ TRONG
SỰ
NGHIỆP CỦA TRẦN MẠNH HẢO
*
Phản kháng
Vào đêm trước của "cởi trói", tại Trại sáng tác văn học Vũng
Tàu do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức vào năm 1983 xuất hiện một nhân vật
"phản tỉnh" với bài thơ "phản kháng" giọng điệu khá mạnh
mẽ: Khóc Nguyên Hồng. Đó là nhà thơ Trần Mạnh Hảo, rất nổi
tiếng với câu thơ chân dung: Trường Sơn của bé còn tiền của anh… (Trường
Sơn của bé, tập thơ của Trần Mạnh Hảo). Gọi Trần Mạnh Hảo là nhân vật
"phản tỉnh" vì trước đó, như chính lời Trần Mạnh Hảo tự cho biết về
bản thân, ông là người đã "bỏ Chúa đi theo Cách Mạng". Sang
thời đổi mới, Trần Mạnh Hảo viết một tiểu thuyết, văn chương tầm thường, nhưng
nội dung rất... "phản tỉnh" với những lời lẽ sau:
"Suốt 30 năm qua, ông đã bịa ra bao nhiêu chuyện nhưng vẫn chỉ
là tô vẽ theo ý đồ của kẻ khác, bất chấp sự thật, chỉ cốt vừa lòng cấp trên… Đó
là thứ văn chương xu thời, bẻ cong ngòi bút, viết cho kẻ cầm quyền đọc chứ nào
phải cho nhân dân… Suốt 30 năm qua… tôi đã ra hàng ngàn trang sách, toàn những
chuyện dông dài, vô bổ cốt tô son vẽ phấn vào cái bộ mặt tèm lem…Chính kiến cá
nhân thời đó đối với chúng tôi thật nguy hiểm, khi chỉ có tổ chức mới độc quyền
chân lý mà thôi…" (Trần Mạnh Hảo, Ly thân,1989)
Viết như vậy, Trần Mạnh Hảo đã chối bỏ quá trình "tham gia văn
nghệ giải phóng", chối bỏ cả những tác phẩm ca ngợi Đảng, Bác mà ông
đã làm trước đó. Ly thân ngay lập tức đưa ông vào danh
sách những nhà văn "phản kháng" hàng đầu.
Phản phê bình
Ngày 13.8.1995, người đã "bỏ Chúa đi theo Cách Mạng",
rồi "ly thân" với Cách Mạng, lại có một bước ngoặt mới: trên
báo Sài Gòn Giải Phóng, cơ quan của thành uỷ Đảng Cộng sản thành phố Hồ Chí
Minh, Trần Mạnh Hảo viết bài Trước sự tẻ nhạt của phê bình, kịch
liệt phê phán cuốn sách Những tín hiệu mới của nhà phê
bình trẻ Huỳnh Như Phương.
Ngay từ bài đầu tiên này, Trần Mạnh Hảo đã gian lận trong trích dẫn và
quy chụp cho đối thủ "tội chính trị". Trong Những tín hiệu
mới, Huỳnh Như Phương viết:
"Thoáng thấy đâu đây xuất hiện một xu hướng mới trong một số
cây bút trẻ mà tôi tạm gọi là xu hướng phá giới. Khi văn học bị kiềm toả bởi
quá nhiều giới luật thì sự nảy sinh xu hướng đó là một điều dễ hiểu ở giới trẻ.
Các thế hệ đi trước càn có sự thông cảm và bao dung đối với họ. Nhưng về phía
người cầm bút trẻ, thiết nghĩ, văn học phá giới không phải là đích đến của sự
sáng tạo…"
Khi trích dẫn, Trần Mạnh Hảo đã cắt đi đoạn "văn học phá giới
không phải là đích đến của sự sáng tạo" để kết luận rằng:
"Huỳnh Như Phương đã xúi bẩy lớp trẻ xông thẳng vào tiến trình
đổi mới của xã hội, vào tiêu chí, tiêu chuẩn đạo đức của dân tộc, vào quy định,
khế ước của luật pháp mà phá giới…"
Với câu sau của Huỳnh Như Phương:
"Giống như trong chuyện cổ về ông vua có tai lừa, văn học ta,
nhiều năm qua, trong khi viết về xã hội đương đại, đã cố che đậy cái phần dị
dạng nhức nhối nhất của bộ mặt hiện thực. Nhưng mặc dù những mũ mãng cân đai có
được vẽ vời tô điểm đến mức nào, cái tai lừa vẫn nguyên vẹn là cái tai lừa…"
Trần Mạnh Hảo báo động:
"Trong lúc tranh tối tranh sáng của một số hiện tượng cực đoan
trong văn học khác nguỵ trang đổi mới, Huỳnh Như Phương nhanh nhảu kiếm được
cái tai lừa dùng một thứ keo chợ chiều của lý luận văn học đổi mới, rồi vội
vàng gắn lên nền văn học quá khứ (tức văn học chống Mỹ cứu nước) cái tai của
con lừa thật…"
và kết tội:
"Thế thì xin hỏi ông Huỳnh Như Phương khi ông gán tai lừa cho
cả nền văn học của một đất nước đau khổ suốt 30 năm bị ngoại bang xâm lược,
rằng tai của ông đâu mà ông không nghe hàng triệu triệu tấn bom của giặc Pháp
rồi Mỹ ném xuống quê hương ta, mắt của ông đâu mà ông không nhìn cảnh hàng
triệu con người bị giết vì chiến tranh xâm lược…"
Phản thơ
Đối tượng phê phán tiếp theo của Trần Mạnh Hảo là tập thơ Sự
mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều. Trong bài Sự
mất ngủ của lửa hay bệnh ngủ của thơ, ngoài việc chê "tập thơ
viết lấy được,… thiếu cảm xúc, thiếu hồn vía… tản mác… rời rạc…", Trần
Mạnh Hảo chú ý đếm được… 25 lần khóc trong tập thơ và phán:
"Tôi không thể tin vào một con người trước mọi tình huống, mọi
vấn đề đều chỉ biết một lối thoát duy nhất: ngẩn ra mà khóc, lăn đùng ra mà
quằn quại." hoặc "Sự khóc chỉ có thể là chính nó, nếu khóc
đúng chỗ, đúng lúc…".
Khi "ly thân", Trần Mạnh Hảo phê phán Đảng là
lãnh đạo cả cảm xúc con người, ngắm trăng cũng phải ngắm trăng tập thể:
"Tất cả hơn ba mươi con người ngồi bó gối, xếp theo hàng, im
lặng cùng hướng mặt lên vầng trăng đêm mười bốn đang toả sáng xuống núi rừng
Việt Bắc... Ai biết từng người trong bọn họ nghĩ gì, mắt ngắm mà lòng chưa chắc
đã có trăng. Nhưng mỗi con người trong chúng tôi chỉ là một hạt bụi trong cái
thế giới mênh mông có lãnh đạo, có tổ chức này. Ngay cả vầng trăng kia cũng
không thoát được số phận bị lãnh đạo ấy." (Trần Mạnh Hảo, Ly thân,
1989)
Nay ông còn nghiệt ngã hơn, đòi "quản lý" cả tiếng khóc sao
cho … phải đạo!
Trong tập thơ Sự mất ngủ của lửa, Nguyễn Quang Thiều
có viết một bài cảm thông với thân phận đói và buồn:
Các cô gái buôn
chuyến đang ngoẹo đầu ngủ
Tóc tai quần áo sặc
mùi cá khô
Giấc mơ sẽ thế nào
tron giấc ngủ thế kia...
Cảm thông với tất cả, Nguyễn Quang Thiều hạ một câu thương sót:
Nếu tôi lấy họ, tôi sẽ ngủ với họ như thế nào…
Trần Mạnh Hảo phê phán:
"Dâm đãng, thèm muốn đến lố bịch." và "Tôi như
không thể tin vào mắt mình được nữa. Rằng người ta đã viết một cách tỉnh khô,
thậm chí ra vẻ đau đớn và suy tư về một điều bất nhã, thậm chí nhảm nhí và bậy
bạ biết nhường nào…"
Hình ảnh "con chó" thường là huý kỵ trong văn thơ cách mạng.
Ngày xưa, Kim Lân đã khốn khổ về truyện ngắn Con chó xấu xí, Hoàng
Hưng cũng đã tai tiếng với bài thơ "con chó đá" có "nỗi
ngứa tiền kiếp" Nay, trong Sự mất ngủ của lửa,
Nguyễn Quang Thiều lại cũng cả gan đưa ra "Bầy chó của tôi" với
nỗi cảm thông thống thiết:
Bầy chó gầy, bẩn
thỉu, ốm đau
Ngày lùng sục kiếm ăn
Liếm cả lưỡi vào dao
sắc ngọt
Lưỡi bị cứa máu trào
ra ở đó
Con đến sau lại liếm
máu bầy mình…
Ở một chỗ khác Nguyễn Quang Thiều ước muốn:
Tôi xin ở kiếp sau là
một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn
báu vật cố hương tôi…
Trần Mạnh Hảo tình nghi:
"Thiều (Nguyễn Quang Thiều) nhìn loài chó một cách kinh
hãi như vậy, mà vẫn chỉ mong sau khi chết biến thành chó, người này có thể tin
được không?".
Đối tượng phê bình tiếp theo của Trần Mạnh Hảo là tập thơ Bóng
chữ của nhà thơ Lê Đạt. Mở đầu tập thơ Bóng chữ,
nhà thơ Lê Đạt viết rất khiêm nhường:
Thành tích
mấy trang giấy sờn
mấy câu thơ bụi.
Trần Mạnh Hảo khinh miệt:
"Ở ngay trang đầu của tập thơ (Bóng chữ), phần tự xưng danh kể
quá trình công tác, rồi nêu khuyết điểm và tự kết luận theo kiểu các vai tuồng
khi ra sân khấu..."
và:
"Cách đây 40 năm cùng với Trần Dần, Hữu Loan… Lê Đạt bắt chước
Maiakốpski cũng sắm cho mình một cái thang. Một chữ, hai chữ đã leo thang rồi.
Maiacốpski là một tay chơi thang, còn các ông chỉ là những tay leo thang. Mai-a
đã leo đã chơi hết nấc thang hiện thực, nấc thang số phận của mình và cũng
không thích leo xuống mặt đất nữa. Lê Đạt chỉ leo đến nửa chừng cái thang. Và
ông đã nhẫn nại leo xuống cho hết mức thang định mệnh…"
Không hiểu Trần Mạnh Hảo có biết rằng một trong những bài "leo
thang" của Yến Lan đã được đưa vào cả sách giáo khoa cho học sinh học:
Tỉnh nhỏ
đìu hiu
mặt trời ngủ giữa
trời chiều…
Đi sâu vào tập Bóng chữ, Trần Mạnh Hảo giễu cợt nhà
thơ Lê Đạt "… cố ý nặn ra trò chơi chữ, đẽo chữ, mạ chữ, phá chữ,
cuồng chữ, ngộ chữ và mụ chữ" và kết luận rằng thơ Lê Đạt là "thơ
nghĩa địa của phương Tây", thi pháp Lê Đạt là "thi pháp mới có
tên là ú ớ" và "xua đuổi cái lý ra khỏi cái phi, cái thực ra khỏi cái
siêu, cái thức ra khỏi cái vô, cái nghĩa ra khỏi cái chữ".
Trong bài Kẻ lục soát đền thơ, đăng trên báo Người
Hà Nội tháng 9-1997, Đỗ Minh Tuấn nhận định: "Mấy năm qua, Trần Mạnh
Hảo đã xuất hiện trên văn đàn như một ông hộ pháp đeo băng đỏ, một tay cầm
chuỳ, một tay cầm thước đo chính trị và đạo đức tung hoành trong vương quốc thơ
ca như vào chỗ không người… kiểm tra tư cách thơ của các tác phẩm mà ông lôi ra
cật vấn, suy diễn và luận tội." Dường như say sát phạt, Trần Mạnh
Hảo bỏ cả "ngôn ngữ phê bình", dùng ngay "ngôn ngữ cảnh
sát" để phê phán tập thơ 99 tình khúc của Hoàng
Cầm là… vi phạm Nghị định 87/CP của Chính phủ vì … kích dục. Để kết tội, Trần
Mạnh Hảo trưng ra những bằng cớ là trong thơ Hoàng Cầm có những từ
như váy, yếm, xiêm y:
Vỗ vai mây phác tờ
đơn chữ thảo mưa xiên
Xin gió bốn phương
phê chuẩn
Đôi mình ôm nhau lần
cuối
Lệnh tám cõi tốc xiêm
y chới với
Sững mình em vùn vụt
hút lên mây xanh…
(Tương biệt hành - Hoàng Cầm)
Đó là một tình yêu độc đáo, bất chấp âm dương cách trở, cách viết táo
bạo, giàu mỹ cảm phương Đông… Vậy mà Trần Mạnh Hảo quy kết rằng Hoàng Cầm đã
thành lập cả một "Câu lạc bộ thoát y" ở trong thơ. Ngay
cả bài thơ nổi tiếng Lá diêu bông cũng bị Trần Mạnh Hảo kết
tội: "vi phạm đạo đức, giả tạo, thô thiển", bài Tắm
đêm với câu thơ:
Ấp vú mình trần con
dế trũi…
bị Trần Mạnh Hảo liệt vào "hội chứng bị đàn bà khoả thân ám ảnh",
và ông lấy một câu thơ khác của Hoàng Cầm:
Váy Ngân Hà loang mặt
tiểu hùng tinh…
để kết luận rằng "Hoàng Cầm đã trùm cả váy yếm lên nền thi
ca Việt Nam".
Trong tập Thơ - phản thơ, giải thưởng Hội Nhà
văn Việt Nam 1997, Trần Mạnh Hảo chê nhiều đồng nghiệp:
"Tập của Phùng Khắc Bắc chỉ có ý, chưa có tứ. Nếu thơ như một
cô gái đẹp thì thơ Phùng Khắc Bắc như một cô gái đẹp chỉ có da không có
thịt…Tập Hoàng Nhuận Cầm thì nhàn nhạt, tập thơ Trương Nam Hương thì nhại nhiều
người…" Còn Nguyễn Quang Thiều thì "đã sáng tác thơ bằng tiếng
Anh, tiếng Tây Ban Nha rồi tỉ mẩn dịch thơ mình ra tiếng Việt. Từ cách cảm,
cách nghĩ, cách ví von liên tưởng… tất thảy đều tây cả, toàn một thứ tây giả
cầy. Tập thơ viết lấy được,… ý tứ ông chẳng bà chuộc, là thứ thơ xổ ra từ bản
nháp…"
Thơ Mới cũng bị ông phê phán: "Thơ Mới vốn chỉ hợp với tiếng
côn trùng và gió khóc, của tiếng thở dài thườn thượt vì mất người yêu", và:
"họ đã tàn canh trong cuộc than mây khóc gió, trong cuộc đánh đáo tâm
hồn mình lên lỗ nẻ hư vô". Nhưng ông xây tượng đài cho thơ cách mạng
bằng nhà thơ Trần Mai Ninh:
"Trần Mai Ninh đã lấy máu của chính mình làm cuộc đổi mới thơ
Việt Nam". "Ông đã để lại hai bài thơ tuyệt vời (Tình
sông núi và Nhớ máu) với một thi pháp rất hiện đại mà Thơ Mới
dù bạo gan mấy đi nữa cũng vẫn chưa có được."
Trần Mạnh Hảo đem máu ra để khẳng định "cái mới" của thơ cách
mạng: "Chẳng nhẽ máu cuả nền thơ đổ ra ở chiến trường như thế mà không
có chút mới lạ nào chăng?". Ngòi bút cứ chấm vào "máu"
thì thơ phải hay ư? Vậy bây giờ hoà bình, ông định lấy cái gì thay máu để
"đổi mới" thi ca đây? Trong những bài viết của mình, Trần Mạnh Hảo
không đề cập chuyện đó mà chỉ lớn tiếng ca ngợi:
"Thơ chúng ta hôm nay đã trưởng thành…Cứ tính từ 1975 đến nay,
hãy đọc, hãy tuyển chọn lại những nhà thơ có tài, có thành tựu, gây được ấn
tượng nhiều ít với bạn đọc, tôi tin chúng ta có một tuyển tập thơ mà về chất
lượng không thua kém các nhà Thơ Mới trước 1945…"
Cách đó vài năm, thời còn "ly thân", ông đã
nhận định ngược hẳn: "Ở nước ta, mấy chục năm qua người ta đã đồng hoá
thơ với khẩu hiệu tuyên truyền. Người ta đã chất lên cái lưng vốn không lấy gì
làm mạnh mẽ của thi ca đến 80% nhiệm vụ của một nền văn nghệ phục vụ chính trị."
Ngụ ngôn về cái "lưỡi" - ngon cũng nó mà không ngon cũng nó -
quả là đích đáng.
Phản giáo dục
Cuốn Sách giáo khoa văn lớp 12 có bài dạy về
thơ văn của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, ca ngợi lãnh tụ là "cây bút văn
xuôi hiện đại đầy tài năng" nhưng cũng nhận định rằng văn xuôi của Hồ
Chí Minh là "loại văn hình tượng viết theo cảm hứng, thẩm mỹ không
chiếm khối lượng lớn lắm". Trần Mạnh Hảo báo động: Viết thế là "hạ
thấp thơ văn Hồ Chủ Tịch… dám đưa cả Tuyên Ngôn Độc Lập" của Bác ra khỏi
giảng văn." Rồi kết tội: "Như vậy theo quan điểm của sách
giáo khoa, đề tài chính trị hình như khó có thể mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ.
Nói trắng ra sáng tác nghệ thuật về những vấn đề chính trị không thể thành văn
học". Sách giáo khoa viết: "Hồi ở trong nhà tù Quảng Tây,
buồn vì mất tự do, Người đã làm thơ giải trí", Trần Mạnh Hảo: " Sách
giáo khoa tuyệt đối hoá chức năng giải trí, chẳng hoá ra văn thơ Bác Hồ chỉ để
giải trí thôi sao?" Bài viết của Trần Mạnh Hảo được đăng trang
trọng trên báo Nhân Dân.
Đối tượng phê bình tiếp theo là giáo sư Trần Hữu Tá (Đại học sư phạm
thành phố Hồ Chí Minh). Ông Trần Hữu Tá khen Nguyễn Tuân là "nhà văn
tài tử". Trần Mạnh Hảo: "Nói vậy là chê Nguyễn Tuân nghiệp dư
à?",Trần Hữu Tá viết: "Nguyễn Tuân là một người cao đạo", Trần
Mạnh Hảo: "Cao đạo là một từ mỉa mai chỉ kẻ đạo đức giả, một kẻ thanh
cao rởm, làm bộ làm tịch … sao lại chỉ Nguyễn Tuân?" Vị Nhà giáo
nhân dân, 79 tuổi, Lê Trí Viễn, người viết sách giáo khoa từ năm 1950, đã dạy
học đủ các cấp từ cấp 1,2, 3 cho tới Đại học, dạy cả tiến sĩ, viết trong sách
giáo khoa: "Văn học ta không lớn mà không đến nỗi nhỏ", Trần
Mạnh Hảo phê: "Tức là Giáo sư gọi văn học Việt Nam là một thứ tầm tầm,
có cũng được, không có cũng được", rồi suy ra: "không
được ví mẹ mình với mẹ người ta coi ai hơn ai… văn học như tâm hồn dân tộc,
chẳng lẽ lại không lớn?"
Giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Sử viết: "Hồ Xuân Hương sống trong
cuộc đời ô trọc…", Trần Mạnh Hảo: "Ông Sử viết rằng, bà
Hồ Xuân Hương phải chấp nhận cuộc sống phàm tục, ô trọc. Ô trọc là gì? Ô trọc
là nhơ nhớp, bẩn thỉu. Ô trọc là Tú Bà, Mã Giám Sinh, chứ sao lại nói Hồ Xuân
Hương là ô trọc? Viết về Hồ Xuân Hương thế này thì đáng phải ra toà vì ông ấy
xúc phạm đến đại thi hào dân tộc…". Giáo sư Trần Đình Sử, theo Trần
Mạnh Hảo, "còn sai nhiều lắm. Về câu thơ "gian nhà không mặc kệ
gió lung lay" trong bài Đồng chí, ông Sử giảng, đây là phút tếu của người
lính. Đây là nỗi buồn thương nhớ nhà chứ tếu đâu. Anh tếu cái nỗi buồn thương
của người lính là đúng hay sai? Thì tôi phải chỉ cho ông ấy. Về câu "nụ
cười buốt giá", ông ấy bảo, nụ cười trong giá lạnh thế này hẳn là khó mà
tươi, tức là có thể tàn, úa, héo."
Vậy ông Trần Đình Sử đã bôi nhọ hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ.
Trong các vụ phê bình sách giáo khoa, thực ra 10 điều thì Trần Mạnh Hảo
sai đến 9, làm dư luận náo loạn. Không ít người nhận ra một hiện tượng rất
"lạ" là bài Trần Mạnh Hảo thì in liên tục trên các báo, còn những
người bị phê bình thì im lặng. Ngay cả Giáo sư Trần Đình Sử cũng phải thừa
nhận:
"Có điều đáng buồn là thế này, sau khi bài của anh Hảo in trên
một tờ báo thì thạc sĩ Vũ Tiến Kỳ trao đổi lại. Bài viết rất hay nhưng không
được đăng ở đâu cả. Anh ấy gửi cho Giáo dục và Thời đại, báo ấy cũng không
đăng. Đó là điều mà tôi cho là khó hiểu. Tại sao những bài của anh Hảo thì được
đăng công khai, đăng đi đăng lại nhiều lần (vừa rồi anh lại đăng ở Người
đại biểu nhân dân của Quốc hội nữa) nhưng bài trao đổi lại với anh Hảo thì
không được đăng?". "Rất nhiều người nói lại và nói lại rất hay
nhưng những bài ấy không được đăng ở những báo lớn để mọi người thấy. Cho nên
người ta đều tưởng là anh Hảo đúng. Có một bàn tay nào đấy không biết, gọi là
bàn tay thì hơi quá, nhưng có một cái gì đó không biết, những bài viết trao đổi
lại với anh Trần Mạnh Hảo không đến được với bạn đọc".
Ông Giáo sư đã nhận ra "có một bàn tay nào đấy" chặn
mọi bài viết phản ứng lại Trần Mạnh Hảo. Chính "bàn tay ấy" đã
thu hồi cuốn Về một hiện tượng phê bình của Nhà xuất
bản Hải Phòng, dầy gần 600 trang, in năm 1997, trong đó tập hợp nhiều bài viết
phê phán Trần Mạnh Hảo.
Các giáo sư đã nhận ra "có một bàn tay" bảo kê cho kẻ
"hầu chuyện với các giáo sư" nhưng không hề biết rằng "bàn
tay ấy" là ai? Và lại càng không thể biết rằng chính các giáo sư đang
bị lôi ra làm vật tế thần cho búa rìu dư luận đang đòi vạch mặt "những
ai đã gây ra thảm trạng tuột dốc của nền giáo dục Việt Nam?"
Dư luận và phản dư
luận
Nhà thơ Vương Trọng biểu dương thành tích của Trần Mạnh Hảo: "Nhiều
người quá đề cao thơ tiền chiến để rồi phủ nhận thơ kháng chiến 1945-1975. Anh
em sáng tác chúng ta cũng đã nhận ra, nhưng không có ai nói được rành mạch, có
sức thuyết phục như Trần Mạnh Hảo". Vậy là công đầu trong việc
bảo vệ uy tín cho thơ cách mạng phải được trao cho Trần Mạnh Hảo. Ông Vương
Trọng biểu dương tiếp: "Gần đây ở ta cũng như ở nhiều nước khác xuất
hiện một loại thơ nhân danh hiện đại, nhưng thực chất là một thứ thơ suy đồi.
Trần Mạnh Hảo đã lên tiếng sớm về vấn đề này. Đó là bài viết về tập "Bóng
chữ" của Lê Đạt. Phải nói đó là một bài viết hay". (Cố
Tổng bí thư Trường Chinh cũng từng nhận định rằng: "Picasso là cây nấm độc
mọc trên thân gỗ mục của chủ nghĩa tư bản".
Nhà văn Hồng Diệu: "Trần Mạnh Hảo rất dũng cảm, là người có
công, đi đúng hướng cần ủng hộ".
Tác giả của "Ăn mày dĩ vãng", ông Chu Lai cho
rằng Trần Mạnh Hảo "chọn được một thế đứng chắc chắn, chính xác để phát
ngôn tư tưởng cho Đảng", và cảnh báo: "Có một số ý kiến phê
phán Trần Mạnh Hảo với một thái độ không thiện chí".
Nhà văn Xuân Thiều: "Trong phê bình, tôi thấy rất ít người có
được tâm huyết như anh Hảo… Anh Hảo là người trung thực".
Nhà phê bình văn học quân đội Ngô Vĩnh Bình: "Anh Hảo có mặt
rất đúng lúc… để khẳng định những thành tựu văn học cách mạng và ngăn chặn những
khuynh hướng quá đà".
Nhà văn Nam Hà: "Trong văn học đã xuất hiện những khuynh hướng
nói ngược, phủ nhận lịch sử, phủ nhận quá khứ… anh Hảo đã có công chỉ ra những
cái đó".
Nhà văn Nguyễn Bảo: "Trần Mạnh Hảo là người có công lớn trên
mặt trận văn học hiện nay".
Nhà văn Lê Lựu, tác giả cuốn sách nổi tiếng Thời
xa vắng: "Trần Mạnh Hảo đã nói đúng vào cái mà các nhà văn
chúng ta cũng nghĩ thế nhưng không nói ra được thế".
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: "Trần Mạnh Hảo có chính kiến cách mạng,
thái độ rõ ràng và nhất quán".
Còn nhà thơ "thần đồng" Trần Đăng Khoa: "Sự xuất hiện
của Trần Mạnh Hảo quả thật đã làm cân bằng môi trường sinh thái văn chương".
Theo danh sách mà ông Trần Mạnh Hảo mới công bố trên mạng Vnexpress
ngày 06.10.2003, những tác giả sau đây cũng ủng hộ ông: Nguyễn Đình Thi, Huy
Cận, Vũ Hạnh, Anh Đức, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Phương Lựu,
Vương Trọng, Khuất Quang Thuỵ, Đinh Quang Tốn, Diệp Minh Tuyền, Đặng Hấn,
Nguyễn Văn Lưu, Phạm Tường Hạnh, Đoàn Minh Tuấn, Đỗ Trung Lai, Lê Quý Kỳ, Lê
Thành Nghị, Đình Kính, Hữu Đạt, Hồng Diệu...
Ông cũng tiết lộ: "Trong dịp tết Quý Mùi vừa qua, Bộ Trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển đã gửi thư và quà tới nhà chúng tôi cám ơn
vì chúng tôi đã bỏ nhiều công sức phê bình sách giáo khoa và Bộ đã cho sửa
chữa, viết lại năm 2000. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Đặng Huỳnh Mai còn
tới tư gia chúng tôi để cám ơn vì sự đóng góp của chúng tôi cho nền giáo dục
nước nhà bằng phê bình sách giáo khoa. "
Tuy nhiên, gần đây, lác đác đã có một số dư luận ngược lại.
Báo Gia đình & Xã hội, số ra ngày 22.8.2003 có bài của Nguyễn Đăng
Mạnh, cho rằng Trần Mạnh Hảo "giống như khỉ mượn oai hùm, người ta
không sợ khỉ mà sợ hổ".
Ông Đỗ Ngọc Thống: "con gà cứ tưởng tiếng gáy mình làm trời
sáng".
Ông Văn Giá: "Có một thằng suốt ngày cứ rình người ta đi qua là
khạc nhổ thì bố ai mà chịu được".
Còn Giáo sư Trần Đình Sử: "Anh Hảo là nhà phê bình lừa dối dư
luận, anh còn rắp tâm lừa dối cả cấp trên", "dối trá", "chả
biết gì về văn học", "không đúng", "Chí Phèo phê
bình", "xuyên tạc, đả kích cá nhân làm mục đích", "sai lầm
nhiều quá", "không có phương pháp gì", "bình tán rẻ
tiền", "quy chụp chính trị", "người cùn", "lý sự
cùn"..." chưa hiểu biết gì cả", "không đáng để chúng tôi
phải bàn. Nói thật là dưới tầm"...
Trong buổi giao lưu nói trên qua VietnamNet, một độc giả đã phát biểu
rằng Trần Mạnh Hảo dùng "hàng loạt các bài phê bình, trong đó nhân danh
đủ thứ, từ "truyền thống" đến quan điểm chính trị đang (được xem là
chính thống) có đôi lúc là học thuật... để "đánh" tất cả các nỗ lực,
vẫy vùng "cởi trói" của nhiều tác giả khác nhau."
Dù thế nào, dư luận nên chuẩn bị tinh thần đón nhận một bước... phản
nữa của Trần Mạnh Hảo.
Phụ lục:
Trần Mạnh Hảo
ĐÊM PHƯƠNG
BẮC NHỚ VỀ TỔ QUỐC
Mộ màu trắng rợn người dân tộc tôi chưa biết
Đang đối chọi gắt gao với màu than đêm
Nỗi nhớ tôi xin nhập vào bão tuyết
Bay qua nước Nga, vượt Trung Hoa gió bấc
Mưa phùn đêm nay có thổi rát mặt Người
Tổ Quốc ơi.
Nửa nước tôi giờ này cuốn trong rơm rạ
Biển dạ dày cồn sóng Thái Bình Dương
Tiếng mọt nghiến đêm kéo nhà đói võng
Từ đỉnh cao tập bước xuống đời thường
Đất nước tôi thuyền vỏ trấu vờn đỉnh sóng
Số phận neo người vào bóng Trường Sơn
Chẳng lẽ không còn con đường nào yên lành hơn
Ngoài một lối vượt đá ngầm, dông bão?
Trời mắt ếch đáy giếng nào kiêu ngạo
Tổ Quốc tôi nằm ở đâu
Trên mùa gặt địa cầu?
Người cày xới bằng xương suờn lấy máu mình gieo hạt
Nứt nẻ vết chân cò, chân vạc toạc đồng sâu.
Loa Thành ơi, ai lường gạt Mỵ Châu?
Dấu lông ngỗng tình xưa còn trắng tóc
Tổ Quốc tôi đau mà không dám khóc
Hoa cau cười nhoè nhoẹt áo nàng Bân.
Đâu nỗi nhớ nhà đứt ruột Huyền Trân
Đâu Tồ Quốc của nàng Kiều Kim Trọng?
Thế giới này quá rộng
Nhưng nỗi nhớ thương chỉ một chỗ đi về
Chỉ nơi mẹ mò cua bùn lạnh cóng
Lửa đói lòng dìm bóng mẹ vào đêm
Chỉ một chỗ em qua đò vịn sóng
Trăng xoà tay dừa ngóng móng chân thềm.
Đêm ai hát tôi nghe qua nửa vòng trái đất
Đêm tro bếp quê hương mầm lửa mạ hoen màu
Nghe gió bấc gọi mặt trời xa khuất
Tổ Quốc, xin Người đánh thức cả niềm đau.
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
-
Các bài viết của
(về) tác giả Trần Mạnh Hảo0
Mời nghe Khề Khà
Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CU TỐ LÀNG
TÔI của Đặng Xuân Xuyến:
Bùi Mạnh Hiệp giới thiệu
Tác giả: Nguyễn
Thái Lai - Nguồn: talawas.org
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét