(Nguồn ảnh: Internet) |
TÔI VIẾT NGHÌN CÂU
CA DAO “Ế”
(Nhà thơ Chử Văn Long) |
Ai đó ví ca dao là những viên ngọc quý. Vậy là tôi đã có cả “nghìn viên
ngọc ế” gần hai chục năm nay không bán được cho ai.
Chuyện bắt đầu từ ngôi trường viết văn Nguyễn Du khoá I, năm 1979 (mở theo
mẫu trường Goocki ở Nga), để bồi dưỡng kiến thức cho những nhà văn, nhà thơ đã
có tác phẩm được bình giá có tài năng văn chương về đây học tâp, rèn luyện. đây
là cách hiểu của tôi lúc ấy.
Trường rậm rịch, thông báo, chiêu sinh mấy năm trời mới khai giảng được.
Thường thì cái gì phải đợi chờ bao giờ cũng hấp dẫn, nên dù mới về làm việc ở
Hội Văn nghệ Hà Nội , tôi cũng cố đề đạt nguyện vọng để được đi học khoá đầu.
Cơ quan cho đi nửa ngày, nửa ngày về làm biên tập tập san Người Hà Nội (tiền
thân của báo Người Hà Nội ngày nay).
Hàng ngày, từ nhà cọc cạch đạp xe lên trường ở đường Đại La, học xong, lại
đạp xe về cơ quan phố Hàng Dầu làm việc. Chiều tối lại từ cơ quan về nhà, cả
thảy gần bẩy chục cây số một ngày. Học được ba tháng tôi quá mệt mỏi. Giờ giấc
học tập thì bị gò gẫm hệt như cậu học trò ngày nhỏ. Sau những năm đi thanh niên
xung phong, lên rừng xuống bể, ăn đèo ngủ dốc đã quen, giờ bỗng dưng bị xiết
chặt lại yên cương. Bên cạnh đời sống áo cơm vất vả phải lo cho một gia đình
đông người. Chưa biết tính sao. Một hôm cơ quan cho người tới trường yêu cầu
tôi ký vào bảng cắt lương để chuyển về trường trả; nói là dành cho tôi nhiều
thời gian để học, không phải về cơ quan để làm việc nửa ngày nữa. Tôi chấp nhận
ngay... Nghĩ là từ nay mình yên tâm học tập. Trưa ấy, tôi được nhà thơ Xuân
Diệu nhắn về ăn cơm (đây là mối quan hệ anh em từ lâu trong gia đình). Tôi đem
chuyện cắt lương ra kể. Nghe xong, bất ngờ, anh buông đũa, xẵng giọng: “Bao
nhiêu năm em đi xa nhà, anh đã phải góp công sức chạy vạy mới xin chuyển được
về gần gia đình. Cắt lương về trường viết văn xong, tốt nghiệp, chắc em định
chuyển vào miền nam làm việc…”. Tôi ớ ra, sao mình lại ngờ nghệch đến vậy.
Chiều về cơ quan gặp thủ trưởng, lúc ấy là nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, tôi hỏi: “Có
phải ý anh định đưa tôi đi khỏi Hội Văn nghệ Hà Nội ?”. Ông hơi bất ngờ, nói
rằng: “Sao anh lại nghĩ như vậy?” - “Thưa anh, đây là ý kiến của anh Xuân Diệu
trưa nay, lúc cho gọi tôi về ăn cơm”. Thủ trưởng của tôi thanh minh: “Xin đừng
hiểu nhầm… là chỉ có ý tốt, cho anh có nhiều thì giờ học tập…”. Tôi nói ra ý
định ấp ủ trong lòng: “Từ mai tôi xin thôi học”. Thủ trưởng tôi bất ngờ thêm,
ông khó khăn, lúng túng tìm câu nói: “Đây là anh quyết định đấy nhé, chứ cơ
quan đã cho anh đi học rồi…”.
Hôm sau, tôi viết đơn gửi trường, bạn bè lưu luyến khuyên tôi không nên
nghỉ. Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bây giờ, lúc đó là lớp trưởng,
(trường chỉ có một lớp), là người có tình, anh biết tôi quá bấn túng, cho rằng
vì vậy mà tôi phải nghỉ học. Anh đã định vận động bạn bè trợ giúp. Tôi xin cảm
ơn lòng tốt của mọi người, trở về cơ quan. Nghĩ rằng thế là trút được gánh nặng
học hành cho đỡ khổ. Nào ngờ cái tuổi cầm tinh con ngựa của tôi là không được
yên. Chỉ mấy tuần sau cơ quan triệu tập cuộc họp triển khai chỉ thị của đồng
chí Bí thư Thành uỷ Lê Văn Lương về kỷ niệm 970 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà
Nội… Theo tinh thần ấy, Hội Văn nghệ Hà Nội phải cử người đi sưu tầm ca dao tục
ngữ bốn huyện ngoại thành thuộc vùng châu thổ sông Hồng có liên quan đến trầm
tích văn hoá Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay…. Và cơ quan xét thấy đồng chí
Chử Văn Long là người có năng lực có thể hoàn thành trọng trách này…
Như bị nhát búa vào gáy, bởi theo
tôi hiểu, có câu ca dao hay nào nhà văn Vũ Ngọc Phan đã tuyển chọn trong “Tục
ngữ ca dao dân ca Việt Nam” rồi, còn đâu mà sưu tầm. Nhưng còn biết nói sao?
Cái tính bất cẩn bẩm sinh lại cuộn máu lên đầu, tôi chấp nhận cầm tờ quyết định
chẳng cần biết sẽ chèo chống ra sao. Hãy cứ biết từ mai đỡ mỏi đôi chân đạp xe
gần năm chục cây số hàng ngày đi làm.
Thế là con chim được sổ lồng xuôi ngược kiếm sống quên bẵng mọi điều, cuối
tháng đến lĩnh lương một lần.
Ba tháng vút qua, chưa có một câu ca dao, tục ngữ nào trong “bị”, tôi bắt
đầu lo, vội gói ghém việc gia tư lại để “khoác bị” lên đường. Tôi đã la cà qua
những quán nước gốc đa, bến sông, đầu chợ, rồi tìm vào uỷ ban nhân dân xã, xin
gặp các vị cao niên, có tiếng biết ca hát, văn nghệ từ xưa. Đầu tiên là huyện
Thanh Trì, sang Từ Liêm, lên Đông Anh… chân mỏi, gối chồn, bụng đói; càng thấy
điều mình nghĩ là đúng. Có câu ca dao tục ngữ giá trị nào đều đã có mặt trong
“Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” của nhà văn Vũ Ngọc Phan rồi, còn các câu ca
dao chất lượng làng nhàng về làng nghề, địa danh thì đã được gom vào những tập
riêng cho từng vùng đất của những tác giả Chu Hà, Giang Quân… Tôi đành “bị”
rỗng, buồn nản quay về. Nhưng báo cáo điều này với cơ quan thì ai chấp nhận,
khi người ta quyết định cho mình đi sưu tầm ca dao nghĩa là phải có ca dao mà
mang về…
Một hôm, tôi có việc phải qua sông Hồng thăm bà dì ruột lấy chồng bên Văn
Giang - Hưng Yên. Đò cặp bờ, một bà sắp xuống thuyền, nắm lấy tay người bạn gái
ngày xưa vừa bước lên bến, ríu rít mãi không rời. Cảnh sông nước, đò giang
khiến hồn tôi từ lúc xuống đò bâng khuâng rạo rực, giờ đứng trước cảnh tình này
bỗng thốt nên câu:
Sông Hồng nước đỏ
như son
Đầu sông cuối bến
có còn nhớ nhau
Từ lúc ấy, đến buổi chiều trở về, tôi chưa tin hẳn đó là câu ca dao của
mình. Về đến nhà, tôi lục tìm, lần giở từng trang “Tục ngữ ca dao dân ca Việt
Nam” của nhà văn Vũ Ngọc Phan, không thấy câu nào giống vậy.
Đêm ấy, bồn chồn, xúc động không sao ngủ được. Khuya, lại ngồi bật dậy giở
sách đọc. Tình cờ gặp đoạn người xưa kể, Nguyễn Du thời còn trai trẻ đi hát
phường vải đã ứng tác nhiều câu cho các cô gái Trường Lưu và những chàng trai
hát đối đáp nhau. Như cậu học trò đang bí trước đề thi được người gợi ý mách
nước cho mình: Ngày xưa làm được vậy, mình cũng thử ứng tác xem sao!
Tôi hồi hộp lấy bút mực, và viết được câu đầu tiên:
Mình ra sống với
thị thành
Còn yêu trăng sáng
quê mình nữa không?
Rồi câu thứ hai:
Anh về xẻ ván đóng
thuyền
Nữa mai dang dở ai
đền công anh
Câu thứ ba, thứ tư lần lượt ra đời:
Gió đồng chẳng
thổi hương đồng
Thổi vào trong phố
cho lòng ngổn ngang.
Người đi để nhớ để
mong
Bao giờ trở lại
cho sông bớt đầy.
Đêm ấy thức thông luôn đến sáng, viết, gạch xoá, sửa chữa, lại viết lại, đã
có được vài chục câu như:
Con cua, con cáy,
con còng
Nhớ thương thì
cũng một làng cả thôi
Khói rơm ai đốt
lên trời
Để người xa cách
lặng ngồi nhớ quê
Tình tang mình hát
mình nghe
Cớ sao ai đấy lại
mê tiếng mình
Yêu chồng sao lại
không ghen
Để chồng đi sớm,
về đêm mất chồng
Thương nhau mài
lưỡi dao bầu
Để ta cắt hết oán
sầu từ xưa.
Quả bầu là quả bầu
tròn
Lòng khô dạ héo
vẫn còn vương dây
Ai sinh ra cái
chuông kêu
Để rồi chuông đánh
sớm chiều bính boong
Hôm sau trở đi, ở đâu, làm gì tôi cũng thủ sẵn trong túi mẩu bút chì vót
cẩn thận và mấy tờ giấy gấp nhỏ (thời đó bút bi rất hiếm). Có ngày, vô tình làm
gẫy mất đầu chì, tôi đã đập vỡ vỏ gỗ, dùng giấy cuộn ruột chì lại. Có lúc hết
giấy phải dùng vỏ thuốc lá, mẩu giấy vụn học sinh để viết.
Nhiều hình ảnh trước mắt được ghi lại thành những câu rất gần gũi với đời
sống quanh mình. Rồi nỗi nhớ, hồi ức những năm tháng qua… Những cảnh đẹp làng
quê từ thuở chập chững vào đời, những con người ở làng quê nghèo nhưng không
tham lam, gian giảo. Khó mà không cùng quẫn dúm dó. Tâm hồn, nụ cười, gương mặt
của họ còn in đậm trong tôi vẻ đẹp trong lành đã hoá thân vào những câu ca dao.
Tôi nhớ đến ngày tết thường tụ hội gái trai cùng đánh chung trên một bàn
đu… bổng vút lên trời, có nhiều cặp đu đôi ấy đã thành chồng, thành vợ. Rồi
những ngày tháng đi thanh niên xung phong, xa nhà, nhớ làng quê mình thăm thẳm,
chiến tranh, sống chết, đợi chờ, cả một nỗi niềm dằng dặc khôn nguôi. Tôi nhận
thấy tình yêu của người Việt Nam
mình thật đặc biệt, đó là sự chờ đợi, thuỷ chung. Trai gái thời bây giờ chẳng
còn được hưởng hương vị ngọt ngào đắm say như vậy.
Điều giản đơn nhất, có lẽ lại là khó khăn nhất để làm nên những câu ca dao
bất hủ là lòng ân tình, nhân nghĩa.
Ai chất nặng những tị hiềm, ghen ghét, ganh tị thì đừng bao giờ nghĩ đến
chuyện cầm bút viết ca dao.
Những câu ca dao chan chứa tình người nhiều khi lại đồng nghĩa với chất quê
mùa dân dã. Ai đã ví những câu ca dao là những viên ngọc quý, thì thứ ngọc này
hoàn toàn khác với viên ngọc Rubi vẫn được dùng trang sức ở dây chuyền đeo cổ,
hoặc mặt nhẫn ngón tay. Viên ngọc Rubi được tạo nên từ thứ đá đặc biệt quý
hiếm, dành riêng cho người giầu có, tước quyền. Còn viên ngọc tuyệt vời trong
những câu ca dao chỉ lấp lánh trong tâm hồn người lao động đầy tình người, chân
chất, chân quê…
Phân biệt được điều ấy tôi như tìm được mạch quặng ngầm, chỉ còn việc đổ mồ
hôi, đào bới. Mùa nước lũ nhìn ra sông Hồng dạt dào, mênh mông, vài cụm lau
sậy, mấy cánh bèo nổi nênh bị cuốn đi theo nước đã cho tôi câu:
Thương cho bèo dạt
mây trôi
Về đâu hay cứ suốt
đời lênh đênh.
Gặp những lứa đôi, yêu nhau như phải bùa mê, nhớ lại thời say đắm đời mình:
Tình yêu như thể
bùa mê
Dính vào quên cả
lối về đường đi
Có những đôi lúa yêu nhau, đôi bên cha mẹ đều cố tình chia rẽ, vẫn không
thắng nổi tình yêu của họ, tôi cảm xúc viết rằng:
Dám nào phụ mẹ phụ
cha
Yêu anh em phải bỏ
nhà theo anh
Nhưng nhiều khi thứ bùa mê kia vượt quá cái giới hạn thông thường của luân
thường, đạo lý cũng gây nên tai hoạ. Đó là hình ảnh đôi vợ chồng nọ ở kề bên
sông làm nghề chèo đò, buôn bán vặt, có với nhau hai mặt con êm ấm. Bỗng một
ngày cô vợ bỏ nhà theo gã thuỷ thủ một con tầu chở hàng ghé qua, lòng tôi xót
xa cho người chồng bị phụ bạc:
Ổ rơm có vợ có
chồng
Bây giờ chăn ấm,
gối hồng em đã theo ai?
Hình ảnh người con gái những năm ở thanh niên xung phong chưa có chồng mà
đã có chửa, bị đem ra chi đoàn kiểm điểm. Cô không khai có chửa với ai. Nhiều
nam nữ đoàn viên lên án cô ngoan cố, biểu quyết khai trừ cô ra khỏi đoàn. Tôi
là bí thư chi đoàn lúc ấy điều khiển cuộc họp trong lòng dân dấn nước mắt thấy
thương cô gái, thấy cô chỉ vì yêu mà nên cơ sự này, chẳng có khuyết điểm gì.
Vậy mà tôi không làm sao giúp đỡ cô được, giờ còn xúc động:
Con cua, con cáy, con còng
Nhớ thương thì
cũng một làng cả thôi.
Có buổi chiều, chợt nhìn sang hàng xóm thấy người ta quét vụn rơm rạ đốt,
lòng lại nhớ thuở xa quê nhà vời vợi:
Khói rơm ai đốt
lên trời
Để người xa cách
lặng ngồi nhớ quê.
Một lần vợ tôi nói nhịu một câu gì đấy, nàng đỏ mặt chữa ngượng, tôi đã
chữa thay cho nàng bằng câu:
Tiếng đâu bằng
tiếng quê nhà
Dù cho ngọng -
nhịu - thì - mà vẫn hay
Hai ông hàng xóm tranh nhau vạch giới bờ rào đến nỗi chửi bới lôi cả cha
ông, rồi cấm hai cô cậu đang bén duyên không được gặp gỡ, ra đường tránh mặt
nhau, tuy trong lòng vẫn thương. Tôi cảm xúc thay cho nỗi lòng họ:
Dù cho duyên nợ
không xong
Gặp nhau trước
ngõ, nỡ lòng ngoảnh đi
Quê tôi đất bãi, mùa nước muốn đi lại, thường phải đi bằng thuyền thúng đan
bằng tre nứa, phết sơn nâu. Những buổi gió lặng, nước im, đẹp trời, từng đôi
trai gái rủ nhau bơi thuyền quanh làng, vừa chơi nhởi, vừa tự tình, mãi gợi
trong tôi nét đẹp của làng:
Ai đan thuyền
thúng mà xinh
Để ta ngồi lái, để
mình ngồi bơi
Rồi ra tốt lứa đẹp
đôi
Hai ta cảm tạ ơn
người khéo tay
Nhìn lại con đường dẫn mình đến ngồi viết ca dao này, thấy chuyện mơ mộng
văn chương đầy mệt mỏi, nhưng tôi lại thấy được an ủi. Bởi có quyền bính giầu
sang đến đâu rồi cũng tan biến, câu thơ hay thì sẽ còn ở lại với đời:
Dù cầm trăm vạn
trên tay
Dễ chi mua được
một ngày tiếng thơm.
Có đận cùng quẫn nhất, vào những ngày giáp tết một năm. Nhà không còn một
hột gạo, đồng tiền, vợ tôi lại bị cấp cứu vào viện. Có chiếc áo sơ mi anh Xuân
Diệu vừa đi Hungari về cho, chưa mặc, tôi đem bán lo chút thuốc men cho vợ. Nhớ
lại đã thành câu:
Đã toan một bận
bán giời
Chỉ hiềm chưa có
ai người tới mua
Sau trận ốm này, ba năm liền vợ tôi kiệt sức, thỉnh thoảng lại phải cấp cứu
nằm viện hàng tháng. Buổi sáng ủ cặp lồng cơm đến viện gặp bác sĩ, thăm vợ, rồi
về cơ quan. Chiều lại tạt qua viện gặp bác sĩ, thăm vợ, rồi đem cặp lồng về
nhà… Nhưng không dám báo cơ quan là vợ ốm, vì sợ mình hay vắng mặt bị để ý.
Ngồi nhớ lại còn dân dấn nước mắt:
Buồn không nói
được nên lời
Hệt như sương khói
tạnh rồi lại tuôn
Cách nhà tôi mấy nhà, có ông thợ thổi kèn đám ma, có ngày đương tự dưng
không biết phởn chí điều gì, ông ta gọi mấy nhỏ đến gõ trống, thổi kèn ma inh
ỏi, nghe rất ai oán, não lòng:
Ngồi buồn nổi
trống kèn chơi
Làm cho thiên hạ
đang vui cùng buồn
Có lúc tự nhiên mà lòng dâng ngợp những đâu đâu mà viết:
Có ai mua não, mua
sầu
Thì xin gánh bớt
cho nhau một phần
Thiếu tiền mình sẽ
cho không
Tha hồ mà gánh mà
đong cho đầy
Bây giờ vợ tôi đã mất, mỗi khi có chiếc khuy áo đứt, giở kim chỉ ra khâu,
lại nhớ tới hình ảnh vợ trong câu:
Ngồi buồn giở áo
ra khâu
Vai sờn tay rách
thương nhau bội phần.
Ai có một miền quê để mà thương mà nhớ, chắc đã từng ngồi im lặng trước
cảnh này:
Tiếng giun kêu đã
buồn rồi
Lại thêm tiếng dế
từng hồi tỉ tê
Thảo nào chập tối
canh khuya
Những người vắng
bạn ngồi nghe chẳng sầu
Hình ảnh cô bạn hàng xóm cùng tuổi thiếu thời, không đẹp nhưng có duyên
thầm, lại có giọng hát làm bao chàng trai làng tôi xao xuyến một thời:
Tình tang mình hát
mình nghe
Cớ sao ai đấy lại
mê tiếng mình
Làng tôi có ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo, xưa có chòm xóm xung quanh. Sau
lụt lớn sông Hồng, làng xóm đi vào cả trong đê. Mùa nước mênh mông chỉ còn mỗi
nóc nhà thờ đứng trơ trọi, như khắc vào không gian. Mỗi khi tiếng chuông réo
rắt lại như gọi hồn người vào cõi xa xăm:
Tháp chuông còn
đứng bên trời
Tiếng chuông còn
vọng, lòng người còn đau
Chính tôi cũng chả biết nỗi đau cụ thể về cái gì, nhưng đã viết như vậy.
Điều buồn, điều vui, nụ cười gặp gỡ, giọt lệ chia phôi, thương nhớ, vơi
đầy, tình người, nỗi đời, cứ dào dạt cuộn về cho tôi hàng trăm câu ca dao tiếp
đó.
Tôi có bao kỷ niệm vui buồn đời văn không quên, như ngày ở Ty Lâm nghiệp
Quảng Ninh, sau khi được giải thơ cuộc thi viết về đề tài Lâm nghiệp của Tổng
cục Lâm nghiệp và Hội Nhà văn Việt Nam, có cớ để anh Xuân Diệu sang Tổng Công
đoàn xin cho tôi về làm biên tập Nhà Xuất bản Lao động. Anh gửi thư trước cho
tôi chuẩn bị mọi thứ, khi có quyết định là về ngay. Chờ mãi không thấy động
tĩnh gì, tôi lên gặp ông Trưởng ty. Ông có điệu cười làm người yếu bóng vía dễ
sợ: “Đúng là có quyết định của Tổng cục cho anh chuyển, nhưng lãnh đạo chúng
tôi đã hội ý, với anh chuyển đi sang viết văn, sau này ai bổ óc anh ra mà rửa”.
Đến nay tôi vẫn không hiểu câu nói ấy. Buồn uất ức đến nghẹn cổ, tôi trình bày
hoàn cảnh khó khăn của gia đình, nhà cửa vừa bị lũ sông Hồng cuốn trôi, mẹ tôi
già yếu, xin cho tôi chuyển về để chăm sóc mẹ già lấy vài năm… Ông ta lạnh lùng
ngắt lời: “Anh hãy phục tùng tổ chức, nguyện vọng sẽ xét sau”. Tan vỡ hết cả hy
vọng, tôi không còn biết sợ, thưa với ông ta rằng: “Có mẹ tôi sinh ra cái thằng
Long ở trên đời, tôi mới biết đến tổ chức, nếu không tôi là con số không thì
làm sao biết đến tổ chức mà phục tùng”… Vì những điều ấy mà hàng chục năm hăm
hở đi thanh niên xung phong tôi chuyển về Hà Nội vẫn chỉ được hưởng 85% lương
tốt nghiệp trung cao cơ điện như mới ra trường!
Quãng đời như vậy, ngồi viết ca dao bỗng hiện về, vậy mà lòng tôi đã thanh
lọc mọi niềm vui nỗi buồn để có câu:
Thương nhau mài
lưỡi dao bầu
Để ta cắt hết oán
sầu từ xưa
Quan niệm sống ấy đã giúp cho tôi sống được với bao vấp váp trong đời sau này,
kể cả chuyện áo cơm khi gặp trộm cắp bất ngờ. Như có lần vào chợ Đồng Xuân mua
vải, len lỏi giữa chợ đông, chiếc túi đựng tiền, tem phiếu, treo ở tay ghi đông
xe đạp, khi dừng lại mua vải mới hay túi bị kẻ cắp nẫng mất bao giờ, hốt hoảng
“Thế là cả nhà năm nay ở trần!”. Nghĩ thế, đầu óc choáng voáng muốn khụyu
xuống, mãi mới dắt nổi xe ra về. Đến nhà lại nhớ thêm, quyển nháp thơ, hì hụi
ghi chép gần kín, suốt cả mấy năm trời cũng mất theo. Sau cơn đau khổ ấy, tôi
cũng chẳng hiểu sao mình còn có thể viết được những câu thơ hài hước để tự an
ủi: “Giật mình nhìn xuống tay xe đạp/ Túi thơ không cánh đã bay rồi”.
Người không từng trải không thể tin rằng, đời càng chịu khổ đau, đơn bạc,
lọc lừa, hồn người cầm bút lại càng trong lành, vươn tới khát khao không thù,
không hận…
Hết năm ấy, vai khoác “bị thơ” về trình cơ quan hơn nghìn câu ca dao đã
“sưu tầm” được. Hồi hộp đợi chờ ngày thủ trưởng gọi lên nhận xét. Chưa bao giờ
tôi thấy ông vui vẻ đến như vậy. Vốn là người rất thận trọng, vậy mà ông đã
nói: “Anh có thấy đồng chí Bí thư Thành uỷ rất sáng suốt khi nhìn thấy vẫn còn
những câu ca dao tuyệt vời sót lại trong nhân dân cần phải sưu tầm chưa? Và cơ
quan cũng đã nhìn ra anh là người có khả năng làm việc này. Đúng là anh đã tìm
được những viên ngọc quý hiếm”, và ông nửa đùa nửa thật: “Giả thử, trong đó có
câu nào anh tự viết ra, thì tôi vẫn coi đây là tập sưu tầm có giá trị. Tôi sẽ
đưa vào kế hoạch xuất bản cho anh năm sau. Đây cũng là thành tích hoạt động của
văn phòng Hội”. Hôm sau, ông lệnh cho văn phòng thuê chiếc xe con đoàn 12 (thời
ấy các cơ quan chưa có xe riêng), cùng đại diện công đoàn về thăm gia đình tôi,
với lý do thăm vợ tôi ốm đau đã lâu mà tôi không cho cơ quan biết. Ông tự tay
trao cho vợ tôi 400 đồng tiền bấy giờ phải bằng mấy triệu hiện giờ, có thể đong
được mấy tạ gạo. Ông thân mật nói với nhà tôi: “Đây là tiền cơ quan bồi dưỡng
công anh Long đã sưu tầm tập ca dao ngoại thành, chị cầm lấy để bồi dưỡng cho
mau lành bệnh. Khi nào tập sách in xong, anh Long còn được hưởng tiền nhuận bút
xuất bản nữa”.
Tháng 10 năm ấy, Đại hội Văn nghệ Thủ đô khoá mới. Trong diễn văn, Chủ tịch
hội Tô Hoài cũng nhấn mạnh về tập “Ca dao ngoại thành” có giá trị, khẳng định
đây là thành tích mà văn phòng hội đã sưu tầm được…
Chẳng may Ban chấp hành khoá ấy, thủ trưởng cũ của tôi không trúng cử. Xếp
mới về thay, không có trách nhiệm in tập ca dao này nữa. Tôi đành đem “nhét bị
treo xà nhà”, mặc cho con nhện chăng tơ.
Tôi thật sự cám ơn số phận đã đưa đẩy đời mình qua lắm thác ghềnh khúc
khuỷu, để tôi thêm thấm mặn những yêu thương khát vọng làm người, cho tôi xúc
động viết được nên hàng ngàn câu để lại, mong góp thêm ngọn lửa tình đời nồng
đượm. Và tôi cũng cám ơn cái rủi là tập ca dao bị “ế” ngày trước, không được ra
mắt bạn đọc, để hôm nay tôi công khai rằng: “Ngàn câu thương nhớ” này là do tôi
viết.
*
Làng Vạn Phúc - mùa Xuân Tân Tỵ
CHỬ VĂN LONG
Địa
chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.
Điện thoại: 01658818263
Email: haicv08@gmail.com
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 31.01.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét