TIẾNG QUẠ TRONG BÀI THƠ
‘PHONG KIỀU DẠ BẠC’
*
(Tác giả Chử Văn Long) |
Tuổi năm mươi, có những đêm nằm không ngủ được, để cho
những ý nghĩ của mình trôi vào không gian lơ lửng như trong chiếc chuông ngân
vang giũa trời đất không cùng. Bỗng dưng có tiếng quạ kêu, đầu tiên như một
giọng thất thanh. Tiếp theo là hàng tràng tiếng oạ oạ… oạ rối rít, tưởng chừng
như đêm sắp vỡ oà.
Tôi bật dậy, đẩy tung hai cánh cửa sổ nhìn ra, ôi! Cảnh vật
như trong huyền thoại. Hai con quạ đen trũi như hai hòn than biết bay đang nhào
lộn quanh tổ trên cành cây gạo, thân cây mờ chìm trong sương bạc đẫm ánh trăng…
Cứ thế, lúc sau, một con vào tổ, con kia đậu xuống cành bên. Tất cả lại chìm
vào yên lặng. Lúc này tôi mới cảm thấy cái lạnh buốt của làn sương đêm ùa vào
cửa sổ… Có lẽ vì cái lạnh này mà con quạ kia trượt chân rớt xuống trong lúc ngủ
say, hốt hoảng kêu toáng lên, làm cho con trong tổ bật dậy kêu theo. Hay do
chuột, bọ đi tìm mồi mò đến làm những con quạ giật mình… Tôi bỗng nhớ đến bài
thơ “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế đời Đường. Bài thơ đã có hàng ngàn năm
tuổi. Giữa hàng nghìn bài thơ cổ đã dịch sang tiếng Việt, bốn câu thơ mảnh mai
này có sức sống bền dai kỳ lạ. Có thể, thơ hiện đại sau này không bao giờ còn
gặp bóng dáng một bài thơ tả tình, tả cảnh theo kiểu ấy. Nhưng đọc nó, chắc vẫn
bị say, bị mê như được ngắm nhìn thứ cổ vật tuyệt mỹ. Một bông hoa thơ đã “hoá
thạch” cùng thời gian, nhưng từ những vân đá li ti vẫn toả hương cuộc sống. Và
những cánh hoa đã hoá thạch kia như vẫn còn khép mở chưa dừng. Bên những lời
khen hết mức, bài thơ còn để lại “nghi án” về hình ảnh “Trăng tà chiếc quạ kêu
sương” là không có lý, vì ai nghe được tiếng quạ kêu trong đêm? Vì giống quạ
chỉ thức ban ngày!
Gần đây người ta còn công bố tư liệu của nhà nghiên cứu
người Nhật về nơi xuất xứ của bài thơ, đã tìm thấy cái xóm Ô Đề (chứ không phải
Ô Đề chỉ loài quạ) và ngọn núi Sầu Miên (chứ không phải sầu vương ở giấc ngủ
khuya). Vậy mà đêm nay tôi lại gặp được tiếng quạ, ở nơi cách không gian hàng
ngàn cây số và thời gian xa cách hàng ngàn năm, cảnh tình sao lại giống cảnh
tình trong câu thơ người xưa đến thế.
Cũng trăng tà, cũng sương bạc và tiếng quạ kêu… Lòng lâng
lâng trước món quà quý hiếm đất trời vừa ban tặng cho những người sống ở làng
quê như tôi, giây phút này tôi mới thấy sống ở thành thị cũng có cái thiệt thòi
dù cho vật chất đầy đủ sang trọng, tôi không khỏi miên man: “Có lẽ nào cả nghìn
năm qua, bao người yêu bài thơ bất hủ này lại chưa ai gặp được tiếng quạ kêu
đêm?”. Nhưng, cả tôi nũa, đêm nay nếu không cảm ơn được cơn mất ngủ giúp cho
thì hẳn là, cái tiếng quạ trong câu thơ kia vẫn cứ mãi còn bí ẩn, rồi tôi nghĩ
đến việc dịch thơ cổ Trung Quốc và cả trong thơ Việt chữ Hán của các cụ ngày
xưa, nhiều khi cân đo đong đếm quá kỹ điển cố, sẽ làm giảm đi phần hay phần ảo
của bài thơ. Như với bài thơ này, dù không nghe được tiếng quạ đêm nay, dù tư
liệu công bố về cái xóm Ô Đề và ngọn núi Sầu Miên kia của nhà nghiên cứu văn
hoá người Nhật là có thật thì vẫn không hề ảnh hưởng đến bài thơ bốn câu đã
dịch sang tiếng Việt
PHONG KIỀU DẠ BẠC
Trăng tà
chiếc quạ kêu sương
Lửa chài
cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai
đậu bến Cô Tô
Nửa đêm
nghe tiếng chuông chùa Hàn San
-------------
Trương Kế (Tản Đà
dịch)
Ghi thêm: Vùa qua trên tạp chí “Kiến thức ngày nay” số 388
trang 72 có đăng bài của nhà nghiên cứu Văn học Nguyễn Quảng Tuân về “Phong
kiều dạ bạc” chính là Nguyễn Hàm Ninh dịch chứ không phải là Tản Đà, tôi xin
viết dòng này để bạn đọc khảo cứu.
*.
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.
Điện thoại: 035.881.82.63
Email: haicv08@gmail.com
...........................................................................................................
- Cập
nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 05.06.2020.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét