ỒN ÀO CỦA CUỘC THI
“CHUYỆN CỦA NHỮNG
DÒNG SÔNG”
VÀ GÓC NHÌN CỦA TÔI
(Tác giả Hà Thanh Vân) |
Trong mấy ngày hôm
qua, tôi có đọc một số thông tin ồn ào xung quanh cuộc thi “Chuyện của những
dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức. Là một người dự thi và có giải ba, ban
đầu tôi dự định sẽ không lên tiếng để tránh thị phi không đáng có. Song tôi cho
rằng nếu không lên tiếng thì… tôi cảm thấy mình sẽ không vui, không thoải mái
trước một số bài viết và comment trên mạng xã hội có thông tin nhiễu loạn và đi
quá xa so với những góp ý chân tình, thẳng thắn ban đầu.
Tôi chỉ muốn nói cho
rõ một số vấn đề như sau từ góc nhìn của cá nhân tôi:
1. VỀ THỂ LỆ CUỘC
THI
Có thể xem kỹ thể lệ
cuộc thi ở link trong comment bên dưới. Trong đó tôi chú ý những điều trong thể
lệ như sau:
1.1. Thể lệ về nội dung:
“Cuộc thi 'Chuyện
của những dòng sông' không chỉ đơn giản là một nơi để chia sẻ những câu chuyện
đẹp, những ký ức về sông mà còn là dịp để phản ánh những vấn đề về phát triển
kinh tế, văn hóa bên những dòng sông, là cơ hội để thể hiện những mong muốn, dự
định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng
đồng.”
Nội dung bài dự thi
là:
“- Những kỷ niệm,
hồi tưởng, ký ức, câu chuyện có thật của người dự thi về dòng sông quê hương
hay bất kỳ một dòng sông nào đó trên đất Việt mà họ đã từng gắn bó trong đời.
- Những mong muốn,
dự định, ý tưởng của người dự thi để thay đổi cuộc sống bên dòng sông, bằng
việc khai thác tiềm năng về cảnh quan, thuỷ hải sản… của dòng sông quê hương.”
Có bài viết của nhà
văn Đặng Chương Ngạn đề cập và bắt bẻ ý “đã từng gắn bó trong đời” với hàm ý
rằng một chuyến đi ngắn ngày bên sông thì không phải là từng gắn bó. Mà gắn bó
trong đời thì phải là con sông của quê hương người yêu cũ, con sông nơi từng
làm việc, con sông nhiều lần trở đi trở lại… Bản thân tôi thì không cho là như
vậy. Tôi cho rằng từ “gắn bó” bị hiểu sai nghĩa. Từ điển tiếng Việt của Viện
Ngôn ngữ học do Giáo sư Hoàng Phê làm chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung
tâm Từ điển học, 2003 định nghĩa “gắn bó” là “có quan hệ hoặc làm cho có quan
hệ về tinh thần, tình cảm khó tách rời nhau” (trang 374). Đây là cuốn Từ điển
về tiếng Việt được giới ngôn ngữ học đánh giá là chuẩn nhất hiện nay, là một
công trình khoa học do tập thể các nhà khoa học thuộc Viện Ngôn ngữ học - cơ
quan nghiên cứu ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam biên soạn dưới sự chủ biên của
Giáo sư Hoàng Phê. Công trình đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và
công nghệ năm 2005. “Từ điển tiếng Việt” xuất bản lần đầu năm 1988, đến nay
được tái bản nhiều lần.
Nói như vậy thì chỉ
cần có tình cảm gắn bó với một nơi nào đó, ở đây, cụ thể là một con sông nào
đó, đủ sức tạo nên những cảm xúc, cảm thấy lưu luyến, thì người viết đều có thể
viết. Cách dùng từ trong thể lệ của Vietnamnet như vậy có nghĩa là hàm ý rất
mở, tạo ra không gian sáng tạo cho người dự thi. Cho nên việc cố gò ép khiên
cưỡng vào câu chữ để bắt bẻ là một điều không cần thiết.
1.2. Thể lệ về câu chữ
Nhà văn Đặng Chương
Ngạn nêu thắc mắc về bài thi “Ngược dòng Nhật Lệ” của tác giả Trần Hồng Hiếu có
giải nhì và cho rằng bài này phạm quy vì dài đến 3700 từ, hơn quy định ban đầu
là 2000 từ. Đồng thời nêu thắc mắc là tại sao khi công bố giải thưởng trên báo
thì ghi tên tác giả là Trần Hồng Hiếu và Đoàn Xuân Hoàng. Thật ra đây là hai
bài viết riêng nằm trong 1 cụm bài dự thi gồm 2 bài, cụ thể là:
Bài 1: Qua Nhật Lệ
gặp Kiến Giang
Bài 2: Từ Đại Giang
đến thượng nguồn
Và hai bài viết này
về nội dung cho thấy hoàn toàn có thể nằm độc lập với nhau. Có thể xem hai bài
viết ở link dưới comment để xác định rõ điều này.
Đồng thời trong thể
lệ dự thi có ghi rõ là “Mỗi tác giả có thể gửi một hoặc nhiều bài dự thi. Không
giới hạn số lượng bài dự thi đối với mỗi tác giả.” Đây là hướng thi mở do Ban
tổ chức đặt ra vì khuôn khổ của báo online giới hạn 2000 từ. Nếu ai viết báo
nhiều sẽ rõ điều này (tức là quy định số từ trong bài báo), trừ một số báo hay
tạp chí chuyên ngành thì có thể chấp nhận số từ nhiều hơn. Nếu như vậy thì cụm
bài này không vi phạm thể lệ. Không rõ vô tình hay cố ý mà nhà văn Đặng Chương
Ngạn chỉ nêu là “bài ký” không hề nêu là “cụm bài”, dẫn đến việc tác giả Trần
Hồng Hiếu bị hiểu nhầm và Ban Tổ chức và Ban Giám khảo bị lên án là làm sai quy
chế. Thực chất trong một số cuộc thi (dĩ nhiên không phải là toàn bộ) thì việc
xê xích 1, 2 trăm từ vẫn có thể cho qua và không trở thành chuyện quan trọng.
Nhưng vấn đề ở đây là hai bài riêng trong một cụm bài, chứ không phải là một
bài. Không nên nhầm lẫn! Hơn nữa, trong số 472 bài dự thi, có không ít cụm bài,
không phải chỉ có riêng cụm bài của Trần Hồng Hiếu.
Tiếp theo, người
viết nội dung cụm bài này là tác giả Trần Hồng Hiếu, tuy nhiên khi đăng báo
ngoài nội dung tác giả Trần Hồng Hiếu viết, thì thiết kế và đồ họa là Đoàn Xuân
Hoàng (xem ảnh đính kèm). Nên chuyện đăng tên cả hai người là bình thường. Tuy
nhiên, khi vào sách “Chuyện của những dòng sông” của Nhà xuất bản Hội Nhà văn,
phần hình ảnh thiết kế và đồ họa của Đoàn Xuân Hoàng không còn nữa. Nhiếp ảnh
gia Dương Minh Long là người thiết kế sách và dùng ảnh minh họa của chính anh.
Nên chỉ còn tên tác giả phần viết là Trần Hồng Hiếu. Tôi nghĩ cần nói rõ việc
này để tránh hiểu lầm không như ý kiến của nhà văn Đặng Chương Ngạn vì thể lệ cuộc thi yêu
cầu có ảnh, hoặc có clip kèm theo bài viết.
2. SỰ HIỂU LẦM TAI
HẠI HAY LÀ NHÂN CÁCH NHÀ VĂN NÊN ĐƯỢC NHÌN NHẬN NHƯ THẾ NÀO?
Theo nội quy, đây
không phải là một cuộc thi thuần túy văn chương, cụ thể nội quy như sau:
“- Bài dự thi được
viết bằng tiếng Việt có dấu, thể hiện dưới hình thức bút ký, nhật ký, tản văn,
phản ánh, phóng sự… Bài dự thi không được viết tắt, không được dùng tiếng lóng
hay chen tiếng nước ngoài, có độ dài không quá 2000 từ và phải kèm hình ảnh về
dòng sông trong bài viết.
- Ban tổ chức khuyến
khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong
đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt,
ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có
hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của
người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự
phát triển của những dòng sông…”
Thế nên một số nhà
văn cho rằng Ban Tổ chức, Ban Giám khảo đổi đề bài là không phải. Rõ ràng ngay
từ đầu, đây không phải là cuộc thi kể về “dòng sông văn chương” thuần túy như
nhiều người lầm tưởng.
Nhìn chung, các nhà
văn đi dự thi, về mặt tâm lý, ai cũng hy vọng có giải. Còn khi không có giải
hay giải thấp thì có thể khó chịu, không vui, vì đó là tâm lý thông thường của
con người, huống chi nhà văn lại vốn đa cảm và nhạy cảm hơn người thường. Song
điều đó không có nghĩa là mang giải thưởng ra giễu cợt, mỉa mai. Những sân si
khó chịu thì có thể mang ra nói chỗ trà dư tửu hậu với bạn bè, nhưng khi phát
ngôn trên mạng xã hội, ở nơi công cộng thì nên thận trọng, cân nhắc, bởi còn có
đông đảo công chúng nhìn vào. Ngàn người khen cũng có ngàn kẻ chê, không phải
bất cứ ai khen cũng có dụng ý tốt, và không phải ai chê cũng là xấu với mình.
Tương tự như thế,
hình ảnh nhà văn Nguyễn Quang Lập và nhà báo lão thành Xuân Ba trong buổi lễ ra
mắt sách, tọa đàm và trao giải dưới con mắt của nhà văn Trương Chí Hùng thì rất
thảm hại. Tôi nghĩ với danh tiếng của hai ông trong làng văn, làng báo, hai ông
không nên bị giễu cợt như thế. Nhà văn trẻ Trương Chí Hùng viết trên Facebook
cá nhân: "Ông bị liệt gần nửa người, chống gậy bước từng bước khó nhọc vào
khán phòng. Mình thấy ái ngại, nhưng nghĩ cha này chắc được giải cao lắm nên
mới bay từ ngoài Bắc vào”, "khiến ông Bọ và ông Xuân Ba ngồi ngủ ngon
lành. Ngủ chán, Xuân Ba kéo trong ba lô ra chai rượu đinh lăng. Không có ly nên
ông cứ thế nốc một ngụm, chuyền qua Bọ Lập cầm chai tu một ngụm. Cứ thế, hai
đại ca văn nghệ “cưa” được cũng gần nửa chai mà “lễ” vẫn chưa đến hồi kết...,
Hai ông hí hửng lắm, kiểu như dù nhà bao việc nhưng phải dành chút thời gian
vào “ẵm” cái giải vài chục triệu rồi về làm tiếp".
Nhà văn trẻ Trương
Chí Hùng viết tiếp: “Rồi tới công bố giải, như nhiều người đã biết, mình với
mấy anh Hồng Lam, Bọ Lập, Mai Nam Thắng, Nguyễn Xuân Thủy… đều giải “ấn tượng”.
Thật ra đó là giải khuyến khích được đổi tên cho sang thôi. Haha… Anh Hồng Lam
lên nhận giải đứng kế mình, thấy mặt ảnh buồn hiu, vì lúc tọa đàm chắc ảnh nghĩ
sẽ được giải Nhất 50 triệu, đâu ngờ ra nông nỗi này.
Mình quay qua, nói
lại ý cũ, “em từng ở Thạch gia trang…”. Ổng ờ ờ cho qua chuyện, mặt vẫn đăm
chiêu. Mình không dám nói gì thêm, sợ ảnh “giận Ban Tổ chức chém mình”. Bọ Lập
thì chống gậy lên sân khấu một cách miễn cưỡng, miệng lầm bầm gì đó như là chửi
thề. Mình cứ lo ổng sẽ chửi lớn lên, vì có rượu rồi, hên là ổng không chửi.”
Tôi cũng là người
tham dự lễ trao giải, tôi không nhận thấy thái độ của các nhà văn được “nêu
tên” là đúng như Trương Chí Hùng miêu tả. Chuyện nhà văn Nguyễn Quang Lập và
nhà báo Xuân Ba có cầm chai rượu là thật nhưng không phải là nhếch nhác như
thế. Tôi cũng không thấy sự sân si, khó chịu về tiền bạc, giải thưởng thể hiện
ở thái độ của các nhà văn như Trương Chí Hùng miêu tả! Tôi không rõ cách viết,
cách miêu tả đầy vẻ mỉa mai, nhìn từ trên cao nhìn xuống như vậy là để nhằm mục
đích gì? Nếu chỉ là đùa giỡn thì đã đi quá xa! Bản thân tôi quen biết, thân
thiết nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam từ khi tôi còn là sinh viên. Anh Nguyễn
Hồng Lam trong suốt trước, trong và sau lễ trao giải, nhiều lần nói chuyện với
tôi và chưa bao giờ thể hiện sự sân si hay “buồn hiu” như vậy!
Tôi thiết nghĩ những
người mà nhà văn Trương Chí Hùng nêu về tuổi đời, tuổi nghề, giải thưởng cũng
như tiếng tăm công chúng đều là những bậc tiền bối. Nếu là chỗ thân tình, lúc
cà phê, bia rượu, thì có thể đùa giỡn nhau, không quá câu nệ. Nhưng đằng này
đều là mới lần đầu gặp mặt như chính nhà văn Trương Chí Hùng nói, liệu nhà văn Trương
Chí Hùng có đi quá giới hạn khi mang họ ra làm… mồi nhậu cho công chúng bàn tán
trên Facebook?
Đừng để “Chuyện của
những dòng sông” trở thành “Chuyện bêu xấu các nhà văn”!
3. PHÍA SAU CUỘC
THI, NHỮNG CHUYỆN LÀM ĐƯỢC VÀ NHỮNG “BÚT MÁU”
3.1. “Bút máu”
Nhà văn Vũ Hạnh ở
miền Nam trước năm 1975 có một truyện ngắn có tên là “Bút máu” trong đó có ý
cho rằng ngòi bút văn chương mà nếu dùng không thận trọng, không có tâm, thì sẽ
dễ trở thành “bút máu”. Tương tự như vậy, dân gian có câu “lời nói đọi máu”.
(Nhà văn Trương Chí Hùng và tác giả Hà Thanh Vân)
Nhà văn Trương Chí
Hùng phàn nàn về buổi lễ kéo dài. Tôi xin nói cho rõ (có ảnh đính kèm). Buổi lễ
có 3 phần, Phần 1 là trao đổi, giao lưu về cuốn sách “Chuyện của những dòng
sông”. Phần 2 là tọa đàm “Giong buồm” và Phần 3 là trao giải. Thời gian sát
nhau và gấp rút đến mức không có giải lao để dùng tea break cho kịp kết thúc
đúng giờ vì Phần 1 giới thiệu sách bị kéo dài quá 15 phút. Phần 2 Tọa đàm diễn
ra đúng thời lượng. Tôi không rõ vì sao nhà văn Trương Chí Hùng viết rằng lễ
trao giải kéo dài, trong khi lễ trao giải chỉ là một phần trong 3 nội dung
chính. Không nên lập lờ để gây hiểu lầm như thế.
Mặt khác, nhà văn Trương
Chí Hùng phàn nàn về việc không có kinh phí đi lại, ăn ở cho bản thân. Nhưng
nội quy cuộc thi có ghi rõ: “Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho
các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến thành phố Hồ Chí
Minh nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ
chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến thành phố nhận giải.” Tác giả Trương Chí
Hùng có giải Ấn tượng, tương đương giải khuyến khích, nên theo thể lệ thì không
được đài thọ.
Tuy nhiên, tôi được
biết chính xác một vài Mạnh Thường Quân xin giấu tên đã tài trợ tiền đi lại, ăn
ở cho một số nhà văn, nhà báo lão thành, trong đó có những người từ Hà Nội bay
vào. Đây là quyền của Mạnh Thường Quân, do vậy tôi nghĩ là Ban Tổ chức cũng đã
làm không sai quy chế và không có chuyện gì khuất tất, ăn bớt tiền đi lại gì ở
đây.
Tương tự, về cơ cấu
giải thưởng ban đầu chỉ có:
“- 01 giải Nhất trị
giá 50 triệu đồng
- 01 giải Nhì trị
giá 30 triệu đồng
- 02 giải Ba mỗi
giải trị giá 10 triệu đồng
- 06 Giải Phụ (mỗi
giải trị giá 4.5 triệu đồng - trao bằng hiện vật) dành cho các bài viết tốt nói
về việc tôn tạo, làm xanh, làm sạch những dòng sông.
- Cùng các giải phụ
khác do các đơn vị tài trợ trao tặng (Ban tổ chức sẽ liên tục cập nhật, nếu
có)”
Nhưng cuối cùng Ban
Tổ chức đã cố gắng vận động các nhà tài trợ để có được 1 giải nhất, 2 giải nhì,
3 giải ba và 12 giải Ấn tượng, trong đó giải Ấn tượng gồm 3 triệu tiền mặt của
Ban Tổ chức và hiện vật của nhà tài trợ có giá trị 8 triệu do chủ nhãn hàng
công bố trong giá bán, cộng lại trị giá 11 triệu. Đây là những thông tin cần
nói cho rõ để tránh chuyện hiểu lầm Ban Tổ chức như nhà văn Trương Chí Hùng
viết với hàm ý là Ban Tổ chức ăn bớt giải thưởng! Còn chuyện được tài trợ cái
gì, thì tôi nghĩ không đáng để mang ra bỉ bai, dè bỉu. Nó chỉ cho thấy sự chú ý
của nhà văn vào những tiểu tiết và mang nặng tính vật chất. Tôi nghĩ là so với
6 giải phụ dự định trao ban đầu bằng hiện vật, việc thành 12 giải Ấn tượng và
mỗi giải có thêm 3 triệu tiền mặt là một nỗ lực của Ban Tổ chức. Có thể Ban Tổ
chức có điều này điều kia chưa hoàn hảo nhưng đừng vu cho họ những điều không
có như “biến tiền thành quà”.
Tôi nghĩ, là một nhà
văn, trước khi có trách nhiệm với người khác, với những dòng sông, quê hương…
gì gì đó, xin hãy có trách nhiệm với chính những câu chữ của mình! Đừng để
những trang viết của mình thành “bút máu”!
3.2. Cuộc thi chỉ là mở đầu cho những chuyện khác
Trong lễ ra mắt
sách, trao giải, còn có tọa đàm “Giong buồm” bàn về phát triển du lịch đường sông
của những người làm du lịch. Buổi tọa đàm có sự tham dự của 4 diễn giả gồm: ông
Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Bình Định F1; ông
Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch Focus Travel, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ana Marina Nha
Trang; ông Po Trần, Chủ tịch của chi hội East Saigon của Liên đoàn lãnh đạo trẻ
toàn cầu JCI và nhà báo Hoàng Tư Giang, báo VietNamNet, cũng là một KOL trên
mạng. Cá nhân tôi thấy tọa đàm hết sức thiết thực, bổ ích, bàn về việc làm du
lịch, kinh tế bền vững để phát triển những dòng sông!
Tôi không rõ tại sao
nhà văn Trương Chí Hùng lại viết với vẻ ác cảm về những doanh nhân như sau, với
màu sắc dân túy rất rõ: “Mà người khác là ai? Mình nhớ có một anh nhà báo, còn
lại là ba ông hình như làm giám đốc tập đoàn, công ty du lịch gì đó. Họ nói
toàn những chuyện “khai thác” giá trị sông như thế nào để được lợi nhuận nhiều.
Họ kể kinh nghiệm kiếm tiền từ những con sông ra sao… Họ không nói về thân phận
những dòng sông, về những phận người đang ngụp lặn mưu sinh, về những sinh linh
đã bị “bứng” khỏi quê nhà đi tha hương cầu thực vì những dòng sông đã không còn
cưu mang nổi. Đây là điều mình cảm thấy rất buồn buổi hôm ấy. Mình cũng loáng
thoáng nhận ra cuộc thi này không dành cho những bài viết đậm chất suy tư trăn
trở của rất nhiều tác giả, trong đó có mình.”
Có lẽ nhà văn Trương
Chí Hùng không nhận ra hay không theo dõi kỹ, là việc tổ chức tọa đàm là bàn về
việc phát triển những dòng sông, trong đó việc làm kinh tế đi đôi với việc nâng
cao đời sống của cộng đồng cư dân ven sông, cùng những giải pháp thiết thực về
mặt chính sách. Link về tọa đàm ở comment bên dưới.
Trong buổi lễ hôm
đó, không thiếu những doanh nhân tên tuổi như ông Lương Hoài Nam, hiện là Tổng
Giám đốc Bamboo Airways, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Nam Long và
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, bà Nguyễn Thị Sơn, người sáng lập tập
đoàn Sơn Kim, cùng nhiều nhà khoa học như Giáo sư Chung Hoàng Chương, Việt kiều
Mỹ, một chuyên gia về sông Mekong. Giáo sư Chung Hoàng Chương giảng dạy tại
nhiều trường như Đại học Berkeley, Đại học San Francisco, Đại học San Jose… Ông
cũng đang tham gia nghiên cứu các dự án nông nghiệp thay thế ở hạ lưu sông
Mekong. Hay ông Trần Sĩ Chương, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng, nguyên là cố
vấn Ủy ban Tài chính Quốc hội Mỹ, ông Đoàn Hữu Đức, CEO của Vietnam Consulting
Group v.v… Nhưng họ đều không phát biểu. Thay vào đó, các ông Chung Hoàng
Chương, Trần Sĩ Chương, Đoàn Hữu Đức phát biểu trong 2 buổi tọa đàm mà tôi có
tham dự.
Khi cuộc thi đang
diễn ra, đã có 2 chuyến đi thực tế được Ban Tổ chức và các nhà tài trợ thực
hiện. Đó là chuyến đi đến ấp đảo Thiềng Liềng và chuyến đi du thuyền La
Marguerite khảo sát tiềm năng du lịch của Tiền Giang. Đã có 2 tọa đàm về phát
triển du lịch đường sông theo hướng bền vững.
Bản thân tôi được
tham dự chuyến thứ ba, với chủ nhà là đơn vị tài trợ Focus Travel. Chuyến đi
thứ ba khảo sát ở Vĩnh Long và có thêm 2 tọa đàm nữa. Ngoài việc mời các nhà
văn, nhà báo, các chuyên gia truyền thông, kinh tế, các nhà khoa học, thì trên
du thuyền có sự hiện diện của nhiều “ông lớn” của lĩnh vực du lịch, trong đó
ngoài các doanh nhân trong lĩnh vực du thuyền và đóng tàu, còn có anh Nguyễn
Văn Mỹ, người sáng lập công ty Lửa Việt. Đặc biệt, có sự xuất hiện của nhiều
doanh nghiệp du lịch địa phương theo hướng sinh thái, văn hóa, cùng nhiều quan
chức của tỉnh Vĩnh Long như Giám đốc Sở Du lịch, Phó Bí thư huyện ủy Mang Thít,
Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm Vĩnh Long… Hai buổi tọa đàm liên tục lần một từ 14g
đến 17g và lần hai từ 14g30 đến 18g không có nghỉ giải lao, buộc mọi người phải
động não đóng góp và đưa ra nhiều kiến giải hay, trong đó có một số đề án dần
hình thành, một số đề án đã có sẵn cần góp ý, bổ sung, đều hướng đến một mục
đích chung là phát triển du lịch đường sông của Vĩnh Long theo hướng văn hóa,
sinh thái và bền vững. Có rất nhiều điều thú vị, song vì chưa thể tiết lộ lúc
này nên tôi tạm dừng lại ở đây. Chỉ là tôi đã nghe được những câu chuyện rất
hay của những con người sống bên sông, sống với sông, cả đời nghiên cứu sông,
đủ để viết thành những bút ký khác.
Tôi nghĩ thành quả
lớn nhất của cuộc thi “Chuyện của những dòng sông” không phải là giải thưởng
trao cho nhà văn A, hay nhà báo B… Thành quả lớn nhất của cuộc thi là gợi cảm
hứng, xúc tiến, thúc đẩy những việc làm, dự án thiết thực cho những dòng sông,
sao cho khai thác chúng tốt nhất, theo hướng bền vững và bảo vệ cảnh quan, môi
trường, mở ra những cơ hội hợp tác, nâng cao đời sống của cư dân ven sông, để
họ không phải bỏ những dòng sông mà đi! Cuộc thi chỉ là cảm xúc về sông, nhưng
những tọa đàm và đề án thực hiện mới là cuộc sống thực tiễn cho các dòng sông
luôn chảy.
Vì thế, so đo giải
thưởng hay đào bới, bắt bẻ những chi tiết chưa tốt của một cuộc thi và lễ trao
giải, bỗng trở nên nhỏ bé và tầm thường! Việc in sách còn lụp chụp, vội vàng vì
tùy thuộc vào Nhà xuất bản. Việc chọn bài in sách là việc của Nhà xuất bản Hội
Nhà văn, do vậy, họ chọn bài nào để in là việc của họ, không liên quan đến Ban
Tổ chức hay Ban Giám khảo. Việc trao giải có thể có những ý kiến nọ kia về
chuyện tiếp đãi, tổ chức… hay những quan điểm khác nhau về chất lượng bài viết
có giải, đó là điều hết sức bình thường trong các cuộc thi. Bản thân tôi cũng
không đồng thuận với một số bài có giải và một số bài tôi nghĩ nên có giải cao
hơn. Nhưng đó là quan điểm của cá nhân tôi. Còn kết quả cuộc thi là của 5 thành
viên Ban Giám khảo bình chọn và chắc chắn mỗi người cũng có quan điểm của riêng
họ.
Tôi chỉ muốn nói
thêm một điều rằng: Góp ý cho các cuộc thi là hết sức cần thiết, không chỉ
riêng một cuộc thi này. Bởi vì có góp ý mới có những lần tổ chức tốt hơn về
sau. Chỉ là sự góp ý nếu chân thành thì nên được đón nhận, còn có những góp ý
đi xa hơn, nhằm vào những mục đích khác, liên quan đến những việc và người
ngoài cuộc thi, thì mong là nên thận trọng và dừng lại.
--------------
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Một cuộc thi đã
bị chấm sail
- Chuyện vụn ngày đầu
năm 2024l
- Bi hài chuyện đi
nhận giải thưởngl
- Đọc Đỗ Hoàng
“cảm” Nguyễn Bình Phươngl
- Nguyễn Hoàng Đức
qua mấy bài viết tôi đã đọcl
- Về “Chân dung 99
nhà văn Việt Nam đương đại”l
- Vài lời về mấy
bài viết gần đây của ông Nguyên Lạcl
- Bạn đọc cảm nhận
bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl
- Các bài viết về
đồng tính luyến ái trên trang Đặng Xuân Xuyếnl
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện
ngắn
"CÔ" SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:
Nguyễn Tuấn Hùng giới thiệu
Tác giả: Hà
Thanh Vân - nguồn: facebook Hà Thanh Vân
Ảnh minh họa sưu tầm
từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Tác giả Hà Thanh Vân sao như con nhím xù lông vậy?
Trả lờiXóaHà Thanh Vân xấu người xấu cả nết. Thật tởm mụ này
Trả lờiXóaẢ ta là loại nửa nạc nửa mỡ xăng pha nhớt đấy anh ạ. Tởm lợm lắm
Xóa